Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều
Thông tin nóng nhất Phố Wall đêm 8/3 tiếp tục là phiên điều trần thứ 2 của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ông Jerome Powell tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ.
Thông điệp được người đứng đầu FED đưa ra sau 3 giờ điều trần tiếp tục cho thấy quyết tâm "lãi suất có thể cần phải cao hơn trong thời gian lâu hơn" để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, để trấn an thị trường, tránh kịch bản giảm sâu như phiên trước, ông Powell nói rõ vẫn chưa có một quyết định về lãi suất nào được đưa ra trước thềm cuộc họp chính sách diễn ra vào 2 tuần nữa.
Kết phiên, 2/3 chỉ số chính đã tìm được sắc xanh. Chỉ có chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục giảm, nhưng biên độ đã thu hẹp giảm đáng kể so với 1 ngày trước. Đà bán tháo của thị trường đã tạm dừng lại khi Chủ tịch FED đã sử dụng những từ ngữ không quá cứng rắn như tại phiên điều trần trước đó tại Ủy ban Ngân hàng.
"Tôi phải nhấn mạnh rằng FED vẫn chưa có quyết định về mức nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 3. Nhưng nếu tất cả dữ liệu đều ám chỉ cần nâng lãi suất nhanh hơn, chúng tôi sẽ sẵn sàng làm thế", ông Jerome Powell thông tin.
Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều phiên 8/3. Ảnh minh họa.
Suy thoái "lăn" với kinh tế Mỹ
Chủ tịch FED lại "diều hâu", tức cứng rắn như vậy trong bài phát biểu tại 2 ngày điều trần liên tiếp tại Quốc hội Mỹ do có 2 dữ liệu chính để FED đánh giá, từ đó đưa ra quyết định về lãi suất đó là lạm phát và dữ liệu thị trường việc làm.
Về thị trường lao động tại Mỹ, số lượng việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 1/2023 tăng gấp đôi kỳ vọng. Qua đó đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp kỷ lục 3,4%. Như vậy, 8 lần tăng lãi suất vừa qua không khiến kinh tế Mỹ suy giảm, doanh nghiệp vẫn tiếp tục vay vốn, mở rộng sản xuất và thuê thêm nhân công. Thậm chí cơ hội việc làm hiện nay còn khiến cứ 2 công ty phải cạnh tranh nhau chỉ để tuyển 1 người lao động.
Còn dữ liệu về lạm phát, chỉ số giá tiêu CPI tháng 1 vẫn tăng 6,4% - mạnh hơn dự báo và cao gấp hơn 3 lần mục tiêu của FED đề ra. Trong khi đó, Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - loại trừ các mặt hàng thực phẩm và năng lượng, một thước đo lạm phát ưa thích của FED, tăng tới 0,6% trong tháng 1/2023 và cũng cao hơn so với dự báo từ các chuyên gia kinh tế. Rõ ràng lạm phát đang khá dai dẳng. Đó là lý do vì sao mà chủ tịch FED có thể sẵn sàng nâng lãi suất mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Đang có một "cuộc suy thoái "lăn" với kinh tế Mỹ. Ảnh minh họa - Ảnh: AP
Theo phóng viên Đài THVN thường trú tại Mỹ, đang có một "cuộc suy thoái "lăn" với kinh tế Mỹ. Nói một cách dễ hiểu thì sự suy giảm không diễn ra cùng một lúc ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, mà "lăn" hay luân phiên từ một hoặc một vài ngành này sang một hoặc một vài ngành khác ở những thời điểm khác nhau. Điều này cũng có nghĩa, nhìn vào bức tranh tổng thể cả nền kinh tế có thể không thấy suy thoái đâu nhưng có những lĩnh vực cụ thể đã ngấm hoặc bước vào suy thoái rồi.
Nhìn vào nền kinh tế Mỹ hiện nay ta thấy rõ điều này khi các lĩnh vực như công nghệ, bán lẻ, ngân hàng phải sa thải hàng nghìn nhân viên, nhưng tỷ lệ tạo việc làm mới của cả nền kinh tế hàng tháng vẫn duy trì tốt. Đó là nhờ những ngành khác như du lịch, dịch vụ bùng nổ trở lại sau dịch.
Từ "lăn" cũng để thể hiện tính liên quan giữa các ngành của kinh tế Mỹ. Khi lãi suất tăng cao, người dân giảm đi vay mua nhà, chi tiêu. Khi đó tài chính, ngân hàng bị ảnh hưởng đầu tiên, tiếp đến sẽ "lăn" sang ngành bất động sản và tiêu dùng…
Dự báo nhóm ngành đầu tư sắp tới
Khả năng đặt cược FED tăng 50 điểm cơ bản vào cuộc họp chính sách tháng 3 này đã tăng lên mức gần 78% theo dữ liệu từ công cụ CME Fed Watch. Chỉ số công nghiệp Dow Jones hiện đã để mất hết thành quả tăng từ đầu năm đến nay, thậm chí còn đang quay đầu giảm.
Dự báo thị trường sẽ còn tuỳ thuộc FED sẽ cứng rắn đến mức nào. Trước mắt là cuộc họp kết thúc vào ngày 22/3 tới. Từ giờ đến lúc đó FED còn nhiều thông tin cần thu thập và xử lý. Đầu tiên là báo cáo việc làm vào ngày 10/2 (giờ Mỹ). Theo dự đoán, số việc làm mới trong tháng 2 đã giảm hơn một nửa so với tháng 1 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ ổn định ở mức 3,4%.
Sang tuần sau, các dữ liệu quan trọng như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) quan trọng cũng được công bố. Các số liệu này nếu không như mong muốn có thể khiến Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ tăng 0,5 điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp tới và thực hiện việc tăng "cao hơn trong thời gian dài hơn" như Chủ tịch FED đã nói.
Trước tình hình này và trước nguy cơ suy thoái của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Mỹ đang chứng kiến sự chuyển dịch danh mục đầu tư từ "tốt nhất sang tệ nhất". Nghĩa là chuyển từ những ngành chống chọi tốt nhất qua dịch là tiêu dùng thiết yếu, y tế sang các lĩnh vực bị bán tới đáy năm qua như công nghiệp, tài chính và tiêu dùng không thiết yếu.
Lo ngại nền kinh tế Mỹ "không hạ cánh"
Hiện nay các chuyên gia kinh tế đang bàn luận thêm về một kịch bản khác đó là kinh tế Mỹ "không hạ cánh". Ý tưởng về một nền kinh tế Mỹ "không hạ cánh - No Landing" được hiểu là mô hình kinh tế vẫn duy trì đà tăng trưởng, một thị trường lao động mạnh mẽ và lạm phát sẽ không biến mất.
Kịch bản này có thể tránh được kinh tế giảm tốc hoặc ít nhất là trì hoãn được một thời gian, nhưng đi kèm với rủi ro suy thoái về sau khi FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các chuyên gia phân tích của JP Morgan dự báo thời gian suy thoái của kinh tế Mỹ có thể sẽ chậm lại khoảng 6 tháng, rơi vào cuối năm 2023, kéo sang năm 2024 khi lãi suất đạt đỉnh từ 5,6% đến 6%.
Chủ tịch FED liên tục nhấn mạnh trong 2 cuộc điều trần vừa qua đó là cơ quan này sẽ chỉ hành động dựa trên số liệu thực tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!