Mới đây, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xin bỏ cọc khu đất đã trúng đấu giá tại Thủ Thiêm, chấm dứt hợp đồng và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Như vậy, chỉ chưa đầy 1 tháng, lô đấu giá đất trúng thầu với khoảng 2,4 tỷ đồng/m2, mức giá gấp 8,3 lần giá khởi điểm, đã bị doanh nghiệp bỏ cọc.
Vì sao bỏ cọc?
Vậy nguyên nhân tại sao lại bỏ cọc? Đây là câu hỏi được đặt ra trên trang nhất của tờ Tiền Phong. Lý do công ty này đưa ra là nhằm đảm bảo một phần ổn định thị trường kinh doanh bất động sản, lợi ích của tập thể, của xã hội lên trên.
Ngoài ra, tập đoàn cũng đã lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt, đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua.
Các lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) vừa được đấu giá.
Nhiều "kịch bản" xấu cho thị trường bất động sản
Cách đây 1 tháng, khi phiên đấu giá này thành công với mức kỷ lục 2,4 tỷ đồng/m2, dư luận đã rất ồn ào và đặt nhiều câu hỏi thắc mắc.
Báo Nông thôn ngày nay cho rằng, việc doanh nghiệp bỏ cọc đã đoán được từ đầu, vì mức giá đó là bất hợp lý. Đấu giá cao có thể thông qua đó đẩy giá thị trường lên, họ có thể bán, mua những mảnh xung quanh. Giá đất tăng bù thừa so với mức cọc và có thể lời hơn tiền mất cọc.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, trước đó nhiều hiệp hội, chuyên gia bất động sản đã lên tiếng với báo chí về vụ đấu giá đất với mức giá quá cao này. Thêm vào đó, không chỉ có ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp bất thường, mà vào ngày 21/12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.
Dư chấn vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc
Trái với góc nhìn lạc quan của một số người cho rằng, dù doanh nghiệp bỏ cọc, nhưng TP Hồ Chí Minh ít nhất cũng thu về khoản tiền gần 590 tỷ đồng, nên việc tổ chức đấu giá lại cũng không sao, tờ Người Lao động phân tích về dư chấn của vụ bỏ cọc này.
Dù Luật Đấu thầu và Luật Đấu giá tài sản hiện hành cho phép đơn vị trúng thầu có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng việc "hủy kèo" sẽ dễ gây hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của bên tổ chức bán đấu giá, cụ thể ở đây là TP Hồ Chí Minh.
Một hệ lụy lớn về lâu, về dài là giá đất bị kích hoạt, gây nguy cơ bong bóng bất động sản. Những vấn đề trên được giải quyết thế nào, chắc chắn là phải bằng pháp luật.
Coi pháp luật là trò đùa
Cũng nhấn mạnh đến "pháp luật", báo Thanh Niên nhắc lại việc chính doanh nghiệp này năm 2016 cũng đã từng trở thành hiện tượng trong đấu giá khi trúng 1 lô đất ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh với mức giá gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại có văn bản đề nghị hủy kết quả và sau đó lại xin được tiếp tục mua đất.
Tờ báo cho rằng, các doanh nghiệp này đang coi pháp luật như một trò đùa. Nếu coi pháp luật là trò đùa thì liệu doanh nghiệp của họ có hoạt động đúng pháp luật hay không?
Có "cuồng" làm giàu đừng quên đạo lý
Ở một góc nhìn khác, báo Tuổi trẻ cho rằng, về pháp lý có thể "không có gì sai", nhưng ngoài pháp luật còn có một rào cản khác, đó là đạo lý.
GS.TS. Trần Ngọc Thơ cho rằng, nếu đúng pháp luật (do chưa điều chỉnh, chưa cập nhật phù hợp) nhưng không hợp đạo lý, có gì đó vẫn không ổn, xã hội vẫn phải trả giá. Vì vậy, doanh nhân không thể kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp đạo lý, kể cả trong nền kinh tế thị trường.
Thực tế còn nhiều giả thuyết về câu chuyện trúng thầu, bỏ thầu và hệ lụy khiến giá đất tăng nóng, có những người đã thu lợi... Từ sau hàng loạt vụ việc lùm xùm liên quan đến các doanh nghiệp, doanh nhân lớn xảy ra gần đây, tờ Tuổi trẻ đã đặt ra vấn đề về đạo đức, trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân với xã hội.
Tờ báo cho rằng, doanh nhân hãy hình thành thói quen kinh doanh tốt ngay ở Việt Nam, như tuân thủ giá trị đạo đức, pháp luật, không gây thiệt hại cho người khác và xã hội. Đó là lộ trình tự nâng cao năng lực kinh doanh của mình để ra thế giới bán hàng, mang tiền trở lại Việt Nam. Đã đến lúc cộng đồng doanh nhân không chỉ làm cho bản thân, mà còn làm vì cộng đồng, xã hội, khi đó sẽ làm thay đổi bộ mặt môi trường kinh doanh.
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở ra nhiều cơ hội làm ăn với những đối tác lớn hơn, những thị trường rộng hơn…, hình thành một thói quen kinh doanh tốt, cũng sẽ là nền tảng để doanh nghiệp đi xa hơn, có thêm nhiều hơn những đại bàng của Việt Nam để thế giới phải công nhận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!