Tăng cường quản lý livestream bán hàng trên mạng

Thùy Linh-Thứ tư, ngày 03/07/2024 18:38 GMT+7

VTV.vn - Khi bán hàng trên mạng, nếu phát sinh doanh thu, phát sinh thu nhập phải chịu sự điều chỉnh của các quy định của Luật Thuế.

“Nở rộ” livestream triệu USD

Hình thức livestream bán hàng hiện nay khá phổ biến khi được các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh sử dụng để xúc tiến cho hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của mình. Trong các phiên bán hàng trực tuyến thường có sự tham gia của người bán hàng hoặc các blogger, tiktoker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội... được trả hoa hồng từ livestream bán hàng.

Thời gian gần đây, xuất hiện những phiên livestream có thể gặt hái doanh số hàng triệu USD trong vài tiếng tiếng đồng hồ, tương đương doanh thu một công ty trong 1 năm. Nhiều mặt hàng bán trong phiên livestream có giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại đại lý, cửa hàng nên thu hút lượng khách hàng lớn trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như: TikTok, Shopee... Từ đó, những kỷ lục mới về doanh số của các "chiến thần" livestream liên tiếp được ghi nhận.

Có thể thấy, chỉ với một chiếc đèn Led, nhiều KOL (người có sức ảnh hưởng) trên mạng đã có thể tạo ra những phiên livestream tiền tỷ. Chẳng hạn, với một sản phẩm công nghệ - sạc dự phòng giá niêm yết là 500.000 đồng, trong phiên livestream, 10 người mua đầu tiên sẽ chỉ phải trả 100.000 đồng hoặc thấp hơn. Vì thế, lượng "chốt đơn giá sốc" có thể lên đến hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn. Doanh số ghi nhận chắc chắn là tiền tỷ. Tuy nhiên, ngoài những người săn được deal rẻ, số còn lại phần lớn sẽ huỷ đơn. Do đó, thuế chỉ tính trên số tiền thực nhận.

Tăng cường quản lý livestream bán hàng trên mạng - Ảnh 1.

Thời gian gần đây, xuất hiện những phiên livestream có thể gặt hái doanh số hàng triệu USD trong vài tiếng tiếng đồng hồ. Ảnh minh họa.

Ông Lê Hải Vũ - CEO công ty công nghệ Velaboost cho biết, hiện không chỉ có các phiên livestream bán hàng trong nước mà còn có rất nhiều phiên bán hàng trực tiếp từ bên kia biên giới. Chi phí giao hàng rẻ, hàng hoá rẻ hơn và thậm chí lại được miễn thuế VAT với giá trị nhỏ. Lượng người xem, người chốt đơn không hề nhỏ. "Đang cùng làm thương mại giống nhau mà sản phẩm của họ không phải chịu thuế, chi phí thấp thì cạnh tranh rất khó khăn. Rõ ràng đây là vấn đề trong tương lai đối với các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam”.

Trên nghị trường Quốc hội mới đây, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cũng đã nêu hiện tượng livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội như TikTok có doanh thu 1 ngày có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng, giá bán rẻ hơn cả đại lý, rẻ đến "hoang mang" không biết hàng thật hay hàng giả. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đặt vấn đề: cơ quan quản lý nhận định và xử lý vấn đề này như thế nào?

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc quản lý hoạt động livestream hay bán hàng trên sàn thương mại điện tử rất khó khăn, không chỉ là trách nhiệm của ngành công thương mà rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính. Trong đó, Bộ Công thương sẽ là cơ quan chủ trì phối hợp, sử dụng lực lượng quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh, làm rõ những hành vi sai phạm, đặc biệt phải tìm những địa điểm mà các đối tượng này tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch để trao đổi chia sẻ dữ liệu thông tin với cơ quan công an để kịp thời xử lý.

Livestream bán hàng được giám sát theo 2 sắc thuế

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 1/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã thông tin cụ thể về việc thu thuế đối với các phiên livestream hàng tỷ đồng gần đây. Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, khi thực hiện livestream bán hàng trên mạng, tức là hoạt động này đã phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các luật thuế, sắc thuế cũng như chịu sự quản lý giám sát của cơ quan thuế.

Ông Nguyễn Đức Chi cho biết: "Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay hoạt động livestream bán hàng trên mạng, hiện nay, chúng tôi đang thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế. Nếu là cá nhân thực hiện hoạt động này sẽ phải chịu thuế thu nhập, điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình, chúng tôi thực hiện quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý đối với hộ kinh doanh. Nếu hộ khoán thì nằm trong mức khoán thu thuế, nếu hộ có kê khai thì thực hiện theo hoạt động kê khai về thuế".

Tăng cường quản lý livestream bán hàng trên mạng - Ảnh 2.

Năm ngoái, thương mại điện tử ở Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, xếp vào nhóm 5 quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Tại phiên họp Quốc hội hôm 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện có 93 tổ chức, công ty công nghệ của nước ngoài như YouTube, Google, Facebook, Microsoft… đã kê khai nộp thuế trên cổng thông tin điện tử nộp thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới của Bộ, đạt 14.500 tỷ đồng. Người đứng đầu ngành tài chính cho biết, năm nay Bộ Tài chính tập trung thu thuế sàn thương mại điện tử trong nước, kinh doanh mua bán online.

Theo đó, Bộ Tài chính đã kết nối cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế vào cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát các khoản thanh toán trên thương mại điện tử. Bộ cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt. Thông qua đó, sẽ thu được khoản thuế trong lĩnh vực này, trong gần 2 quý vừa qua đã thu gần 50.000 tỷ đồng.

Năm ngoái, thương mại điện tử ở Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, xếp vào nhóm 5 quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới. Năm 2023, doanh thu quản lý thuế qua kênh thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 146 tỷ USD), với số thuế đã nộp 97.000 tỷ, tăng 14% so với một năm trước đó. Ngành thuế cũng rà soát hơn 31.000 đối tượng, xử lý vi phạm hơn 22.000 trường hợp, số thuế tăng thêm trong lĩnh vực này gần 3.000 tỷ đồng.

Theo cơ quan thuế, họ đang quản lý gần 123.800 người nộp thuế hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trong đó, cá nhân hơn 88.100, doanh nghiệp bán hàng hóa qua sàn thương mại điện tử là 35.100. Ngoài ra, có hơn 360 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn, 24 doanh nghiệp lớn quảng cáo trên môi trường mạng, 96 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở tại Việt Nam.

Yêu cầu livestream bán hàng phải xuất hóa đơn điện tử

Tại hội nghị về kết nối, chia sẻ dữ liệu phát triển thương mại điện tử, nâng hiệu quả quản lý thuế, ngày 10/6. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, thương mại điện tử còn thất thoát. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ sửa Nghị định 123/2020 quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch này.

Các địa phương phải bố trí nguồn lực để triển khai hóa đơn điện tử đến người tiêu dùng. Với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm.

Trước đó, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính tăng thanh, kiểm tra với hoạt động livestream bán hàng. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng, nhận hoa hồng từ quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý.

Những phiên livestream trăm tỷ: Trung Quốc thu thuế và chống hàng giả như thế nào? Những phiên livestream trăm tỷ: Trung Quốc thu thuế và chống hàng giả như thế nào?

VTV.vn - Phát trực tiếp và tương tác với mọi người trên mạng xã hội để bán hàng, hay còn gọi là livestream đã và đang là xu thế bán hàng của không ít cá nhân và doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước