Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về tăng số giờ làm thêm tối đa từ 40 giờ lên 60 giờ/tháng, nhưng không vượt quá 300 giờ/năm, không giới hạn nhóm ngành nghề, công việc.
Nhu cầu tăng giờ làm thêm của người lao động
Sản xuất được tự động hay bán tự động, sức lao động được giải phóng nên công nhân gần như chỉ tham gia vào một số công đoạn khá nhẹ nhàng. Đây là lý do hầu hết công nhân tại nhà máy Sản xuất bao bì nhựa Nam Thái Sơn đều xin được làm thêm ngoài giờ 4 tiếng/ngày từ nhiều năm nay.
"Mức thu nhập ngoài giờ làm chính thức của công ty chiếm khoảng 40%, với lại ví dụ bây giờ một ngày tôi làm 8 tiếng thì về nhà trọ tôi cũng đâu có làm gì đâu. Giữa về nhà trọ với ở đây, môi trường làm cũng thoải mái nên ngồi làm thêm 4 tiếng nữa để có thêm thu nhập", ông Đinh Mai Hùng, nhà máy Sản xuất bao bì nhựa Nam Thái Sơn, Tập đoàn Nam Thái Sơn, chia sẻ.
Đa phần cả doanh nghiệp và người lao động đều đồng tình về việc tăng giờ làm thêm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
80% công nhân, người lao động tại Bình Dương cũng có nhu cầu tăng ca như vậy. Thậm chí, được làm thêm giờ là một trong các tiêu chí để lao động đăng tuyển vào doanh nghiệp.
Còn với doanh nghiệp, làm thêm giờ cũng là cách để bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động, đảm bảo sản xuất. Vì vậy, doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ với nhà nước để tăng giờ làm thêm, nhưng vẫn đảm bảo vấn đề sức khỏe cho người lao động.
"Tăng giờ làm thêm doanh nghiệp luôn luôn đồng ý và mong muốn điều này. Doanh nghiệp sẵn sàng tăng thêm ngày nghỉ phép từ 10 ngày trong 1 năm lên 20 ngày thì việc đó sẽ bù lại", Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Trần Việt Anh cho biết.
Quyết định nới trần giờ làm thêm lên 60 giờ mỗi tháng được thông qua vừa là giải pháp hỗ trợ đời sống người lao động, vừa giúp các doanh nghiệp bố trí lại các hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Bảo vệ sức khỏe lao động khi tăng giờ làm thêm
Theo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với bộ ngành liên quan đánh giá tác động của hậu COVID-19 với sức khỏe của người lao động, xem xét việc có đủ điều kiện làm thêm giờ hay không.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo thêm về các doanh nghiệp có yêu cầu làm thêm giờ, đơn đặt hàng để giải quyết hài hòa lợi ích trong thời gian tới.
Các trường hợp không áp dụng giờ làm thêm gồm: lao động dưới 18 tuổi; người khuyết tật nhẹ; các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng. Việc tăng giờ làm thêm có hiệu lực từ 1/4 tới đây.
Tăng giờ làm thêm trên cơ sở thỏa thuận
Vấn đề thời gian làm thêm giờ đòi hỏi sự thỏa thuận, có sự tham gia của 3 bên gồm: Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Nhà nước tạo ra khuôn khổ pháp luật, còn việc có đồng ý làm thêm giờ hay không sẽ do sự trao đổi, thỏa thuận giữa anh chị em công nhân và doanh nghiệp về số giờ, tiền công và chế độ tăng ca.
Làm việc 8 tiếng/ngày, thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Nếu làm thêm giờ, người lao động có thể mang về 9 triệu đồng/tháng.
Trong số 40.000 lao động của Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Goertek Vina, phần lớn đều có mong muốn làm thêm giờ để cải thiện thu nhập.
Do đặc thù đơn hàng tập trung theo thời vụ, ở doanh nghiệp này, nếu tuyển thêm người vào lúc cao điểm thì sau đó lại không sử dụng hết. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn không chỉ tăng giờ làm thêm so với hiện tại mà được linh hoạt sử dụng thời gian làm thêm.
"Với công ty tôi, lên 300 giờ không có ý nghĩa nhiều vì chúng tôi đã được phép làm thêm như vậy rồi. Nếu tăng được từ 40 lên 60 giờ/tháng thì chúng tôi thấy sẽ thấy linh hoạt hơn. Công nhân và lãnh đạo nhà máy mong muốn tăng nhiều hơn nữa vì bây giờ công ty nào không có làm thêm giờ, nhiều công nhân bỏ việc", ông Zhang Jian Hua, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Goertek Vina, cho hay.
"Mong muốn làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập", anh Nguyễn Văn Thắng, công nhân Công ty Catalan, Bắc Ninh, bày tỏ.
Dịch bệnh vẫn chưa kết thúc nên các công ty tuyển người còn khó khăn, nguyên phụ liệu cũng không về kịp theo kế hoạch. Vì vậy, việc tăng giờ làm thêm để đáp ứng các đơn hàng là vô cùng cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Nghị quyết về tăng giờ làm thêm ra đời đã kịp thời hỗ trợ đời sống người lao động cũng như đáp ứng nhu cầu có thật của nhiều doanh nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Nhận thấy rất cần thiết phải tăng do thiếu nguồn lực cục bộ tại từng thời điểm. Về phía người lao động, theo khảo sát, cơ bản chúng tôi nhận được sự đồng tình của anh em công nhân do nhà máy chúng tôi là một trong những nhà máy hiện đại, sử dụng công nghệ cao nên công sức hao phí lao động không nhiều. Vì vậy thời gian làm thêm 1 - 2 tiếng/ngày đối với công nhân lao động là không quá khó khăn", ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Catalan, Bắc Ninh, cho biết.
Giám sát chế độ khi tăng giờ làm thêm
Đa phần cả doanh nghiệp và người lao động đều đồng tình về việc tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, làm thêm ở mức độ nào, có phù hợp hay không, bởi sau 8 tiếng, người lao động làm thêm 2 - 3 tiếng nữa. Cơ quan quản lý sẽ giám sát như thế nào để đảm bảo sức khỏe của người lao động và đặc biệt là cả vấn đề an toàn lao động?
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, hiện nay, quy định của pháp luật giao cho doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm chính về điều kiện lao động, sử dụng người lao động cho phù hợp và giám sát chính về an toàn vệ sinh lao động, đó là trách nhiệm của doanh nghiệp.
"Còn với cơ quan quản lý nhà nước, trước khi làm thêm, doanh nghiệp phải có thông báo về sở lao động địa phương. Sở lao động sẽ tùy theo tình hình mà có sự kiểm tra, giám sát, thanh tra. Bên cạnh đó quy định công đoàn cơ sở - tổ chức đại diện của người lao động, phải căn cứ vào thỏa ước lao động tập thể, căn cứ vào hợp đồng giữa người sử dụng lao động với người lao động để có sự giám sát việc tuân thủ pháp luật, đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động và đảm bảo không để người lao động bị quá sức, gây mất an toàn lao động", ông Hà Tất Thắng nhận định.
Trên khía cạnh tâm lý và sức khỏe, sự hồi phục của người lao động khi phải tăng cường độ lao động thông qua kéo dài thời gian làm việc và nếu thực hiện trong khoảng thời gian dài thì cũng sẽ có ít nhiều ảnh hưởng nhất định. Do đó, cần có sự giám sát của cơ quan quản lý về phương án làm thêm giờ tại các doanh nghiệp để giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động và tâm lý làm việc của người lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!