Tăng trưởng kinh tế: Lạc quan và thận trọng

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 02/04/2022 10:37 GMT+7

VTV.vn - Trong những tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế khởi sắc. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đang trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Động lực tăng trưởng kinh tế

Hơn 5% là mức tăng trưởng GDP quý 1/2022. Đây là mức cao nhất của quý 1 trong 3 năm qua và cũng là khoảng thời gian nền kinh tế chịu tác động lớn của dịch COVID-19.

Có được bước khởi đầu khả quan này đó là nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để kinh tế không lỡ nhịp với đà phục hồi đã phát huy hiệu quả, những chính sách thay đổi theo hướng tiếp cận linh hoạt với đại dịch và tỷ lệ tiêm chủng cao hơn mà nhiều hoạt động kinh tế đã dần phục hồi, trong đó đóng góp lớn nhất là công nghiệp, xây dựng tăng trưởng 6,38%. Khu vực dịch vụ đã lấy lại tăng trưởng 4,58%. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,45%.

Vốn FDI thực hiện trong quý 1 đạt trên 4,4 tỷ USD - mức tăng cao nhất của các quý 1 trong vòng 5 năm qua. Điều này cũng có nghĩa, có thêm nhiều khu công nghiệp, nhà máy chế biến chế tạo, sản xuất được hình thành từ nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đều đặn qua các tháng cho thấy tính ổn định trong hoạt động sản xuất, người lao động, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nổi bật là con số hơn 60 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây là con số kỉ lục về doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý 1 từ trước đến nay.

Tăng trưởng kinh tế: Lạc quan và thận trọng - Ảnh 1.

Đó là những tín hiệu rất tích cực phục hồi kinh tế đầu năm. Nhưng với độ mở lớn của nên kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta sẽ chống chịu như thế nào với những cú sốc kinh tế từ bên ngoài như dịch bệnh, xung đột, giá cả, lạm phát… Kinh tế toàn cầu được dự báo giảm trong năm 2022 so với các dự báo đưa ra trước đó. Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 4,1% năm 2022 trong khi con số này của Quỹ Tiền tệ quốc tế là 4,4%. Còn tổ chức Fitch Rating đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 xuống còn 3,5%.

Lạm phát tăng cao trên thế giới

Lạm phát tại nhiều nước châu Âu hay châu Á đang tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, do giá năng lượng tăng vọt, nguyên nhân là chịu ảnh hưởng từ tình hình căng thẳng Nga -Ukraine và làm gia tăng thêm áp lực lên chính phủ các nước.

Lạm phát của Tây Ban Nha đã tăng lên mức cao nhất trong gần 37 năm qua do giá năng lượng tăng vọt, vì chịu ảnh hưởng từ tình hình căng thẳng Nga - Ukraine, làm gia tăng thêm áp lực lên chính phủ. Theo ước tính sơ bộ được Viện Thống kê quốc gia INE công bố ngày 30/3, trong tháng này, Tây Ban Nha ghi nhận mức lạm phát tăng vọt lên 9,8% từ mức 7,6% trong tháng 2. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 5/1985

Ông Carlos, cư dân Tây Ban Nha, nói: "Rõ ràng là giá xăng ảnh hưởng đến nền kinh tế của chúng tôi. Tôi chạy xe nhiều, chạy nhiều km. Về lâu dài, tôi cảm nhận được điều đó".

Bà Concha, giảng viên Đại học, Tây Ban Nha, chia sẻ: "Sức mua của tôi sẽ giảm. Tôi sẽ phải lựa chọn giữa việc sử dụng ô tô hoặc làm những việc khác".

Tăng trưởng kinh tế: Lạc quan và thận trọng - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)

Lạm phát của Pháp đã tăng hơn dự kiến trong tháng 3 và đạt mức cao kỷ lục. Cơ quan thống kê INSEE của Pháp cho biết giá tiêu dùng đã tăng 1,6% trong tháng 3. Con số lạm phát tính trong cả năm là 5,1%, tăng từ mức 4,2% được thống kê trong tháng 2 năm nay.

Ông Michel Bloudeau, người dân Pháp, cho biết: "Thật đáng sợ cho chúng tôi vì chúng tôi đã nghỉ hưu. Lương hưu của chúng tôi vẫn như cũ, đã nhiều năm kể từ khi chúng được tăng lên và sức mua của chúng tôi đang suy giảm, đó là điều hiển nhiên. Vì vậy, chúng tôi không thể làm những gì chúng tôi muốn. Chúng tôi vốn đã chật vật để mua thực phẩm, thì càng khó hơn. Đó là những gì tôi có thể nói về lạm phát một cách đáng tiếc".

Tại Indonesia, theo người đứng đầu Cơ quan Thống kê Trung ương nước này, mức lạm phát trong tháng 3 là mức lạm phát theo tháng cao nhất kể từ tháng 5/2019. Nguyên nhân chính là do tăng giá nhóm hàng thực phẩm, nhiên liệu gia dụng như ớt đỏ, dầu ăn

Không chỉ riêng Indonesia, theo chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mặc dù lạm phát đang tác động tới các quốc gia châu Á, tuy nhiên vẫn có thể kiểm soát được. Điều quan trọng là các ngân hàng trung ương trong khu vực phải theo dõi tình hình lạm phát của mỗi nước một cách chặt chẽ.

Theo các tổ chức quốc tế, việc điều hành kinh tế của Việt Nam đang cho thấy sự linh hoạt cần thiết để tạo ra sự cân bằng như việc điều hành linh hoạt qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, không đẩy tiền ra lưu thông, không tạo thêm áp lực, thay vào đó giảm trừ trực tiếp cho nhóm được thụ hưởng.

Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam: Bối cảnh hiện nay cho thấy những thách thức không chỉ với Việt Nam mà nhiều quốc gia khác đó là cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả. Rủi ro về lạm phát, sự thay đổi toàn cầu sắp diễn ra theo hướng thắt chặt tiền tệ có thể làm giảm tính linh hoạt trong chính sách. Chúng tôi đánh giá NHNN cần tiếp tục giữ nguyên lãi suất, qua đó giúp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và quản lý rủi ro lạm phát. Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi của Việt Nam sẽ tăng tốc rõ rệt vào năm 2022, bắt đầu từ cuối quý 1. Dự báo tăng trưởng là 6,7% cho năm 2022 và 7% cho năm 2023.

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam: Kết thúc tháng 2 xuất khẩu của Việt Nam cho thấy sự phục hồi vững vàng. Xuất khẩu tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ các ngành khác đều tăng trưởng, cho thấy các yếu tố bên ngoài Việt Nam đang rất khả quan. Tuy nhiên, Việt Nam cần thận trọng trong bối cảnh giá dầu tăng cao, thương mại của Việt Nam đã bị tác động thấy rõ. Trong khi hiệu ứng cơ sở và ngành hàng điện tử thường xuyên cần nhập khẩu là những nguyên nhân chính phía sau tăng trưởng nhập khẩu mạnh mẽ, nhập khẩu xăng dầu trong tháng 2 tăng gần gấp đôi mức trung bình một tháng của năm ngoái. Chúng tôi đánh giá cao gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng thúc đẩy sản xuất, đầu tư được triển khai sớm ngay trong quý đầu năm nay. Triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB): Hiện nay Việt Nam đang thực hiện duy trì chính sách tiền tệ và tài khoá mở rộng để phục hồi kinh tế tuy nhiên dự địa cho 2 chính sách này dần hạn chế. Trong bối cảnh này kiểm soát về dịch vị trong phạm vi quản lý của nhà nước rất quan trong như xăng dầu, giá dịch vụ giáo dục, y tế, điện… Việc điều chỉnh các măt hàng chiến lược này ngoài việc bảo đảm theo yêu cầu, lộ trình thị trường, giảm sức ép lên ngân sách nhà nước mà còn cần đảm bảo cân nhắc động lực tăng trưởng.

Bà Sagarika Chandra, Giám đốc Đánh giá tín nhiệm Quốc gia của Fitch Ratings tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Hiện tại, lạm phát không phải là một mối lo chính đe dọa nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã triển khai tích cực các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện hệ thống tài chính-ngân hàng. Đặc biệt, việc ban hành gói kích thích tài khóa - tiền tệ trị giá 350 nghìn tỷ đồng đã giúp Việt Nam ổn định nợ công, giữ vững tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn, dự trữ ngoại hối đang ở mức kỷ lục tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài. Vì thế, Fitch ratings dự báo các nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, cải thiện hơn nữa tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững sẽ là những yếu tố tích cực giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới.

Nhìn chung, đà phục hồi của Việt Nam trở nên ổn định trong quý 1. Quan trọng nhất là những trụ cột tăng trưởng kinh tế đã có sức bật nhanh trở lại với việc hấp thụ nhanh, hiệu quả từ các gói kích thích kinh tế xã hội. 

Tăng trưởng kinh tế: Lạc quan và thận trọng - Ảnh 3.

Tuy nhiên, bài toán lúc này đó là sự thận trọng áp lực tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sẽ tăng cao trong các tháng tới đây. Do vậy, một trong những ưu tiên ngay từ đầu quý 2 tới là tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát giá cả, thị trường và bảo đảm lưu thông hàng hóa, cũng như thúc đẩy sản xuất trong nước để tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu trong nước, qua đó hạn chế tác động của sự tăng giá thế giới tới thị trường Việt Nam.

Chương trình Sự kiện và Bình luận phát sóng ngày 2/4 với sự tham gia của ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước