Thách thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 27/07/2022 14:08 GMT+7

VTV.vn - Nếu có lô hàng không đảm bảo quy chuẩn phía Trung Quốc đặt ra, bị cảnh báo về chất lượng, thì nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

"Cánh cửa" của thị trường đông dân nhất thế giới - thị trường Trung Quốc, đã mở ra rộng hơn với quả sầu riêng, chanh leo. Trước mắt, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp và bà con nông dân là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của họ đặt ra.

Trung Quốc được xác định là thị trường lớn của nông sản Việt. Việc thị trường này gia tăng nhập khẩu chính ngạch đã đặt ra bài toán phải tiêu chuẩn hóa, trong khi sản xuất vẫn đang còn khá manh mún.

Rõ ràng, phải mất rất nhiều công sức để Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch một loại nông sản nào đó, nên nếu có lô hàng không đảm bảo những quy chuẩn phía Trung Quốc đặt ra, bị cảnh báo về chất lượng, thì những nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Thách thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Thu mua sầu riêng ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Hiện Việt Nam đã có 11 nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, sầu riêng…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam hiện không nhiều vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của Trung Quốc. Để được cấp mã vùng trồng cũng là cả một quá trình dài nếu nhìn lại cách thức trồng sầu riêng, chanh leo hiện nay.

Đơn cử như tỉnh Đắk Nông, với diện tích 1.300 ha trồng chanh leo, sản lượng khoảng 27.000 tấn/năm, nhưng mới chỉ có 2 mã vùng trồng và 2 mã số cơ sở sơ chế đóng gói đạt chuẩn.

Để nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu bền vững và chính ngạch sang Trung Quốc, tận dụng được ưu đãi thuế nhập khẩu 0% mà phía Trung Quốc đã cam kết, việc đẩy nhanh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác hàng hóa là rất cấp thiết. Có như vậy, các mặt hàng nông sản của Việt Nam mới đàng hoàng lưu thông tại đây mà không lo ngại ùn ứ, ách tắc như những năm trước đây.

Giám sát chặt chẽ nông sản xuất khẩu

Trung Quốc cũng rất đề cao yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đạt gần 10.000 USD/người/năm. Vì vậy, yêu cầu lựa chọn thực phẩm của người dân tại đây không còn đơn giản và dễ dàng.

Nếu muốn hòa nhập cùng thế giới thì nông dân Việt cần sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm, với người tiêu dùng, từ đó chuyển sang bán sản phẩm theo yêu cầu. Điều này cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Hàng năm, đối với các loại trái cây xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đều phối hợp với địa phương thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt các hoạt chất được sử dụng với cây trồng đó và coi đây là vấn đề sống còn.

"Hiện cứ mỗi 1 tuần, ít nhất 2 lần phía Trung Quốc cùng với chúng ta kiểm tra trực tiếp cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng, theo các tiêu chí của Trung Quốc. Những mã số nào không được, họ yêu cầu cơ quan kiểm dịch Việt Nam rút ra khỏi danh sách xuất khẩu. Thứ hai, chúng tôi chuyển toàn bộ mã số hiện nay được các quốc gia phê chuẩn và chuyển về địa phương trực tiếp quản lý, nhưng hàng hóa từ các mã số này khi lên cửa khẩu hoặc kiểm tra tại chỗ, không đáp ứng được thì lập tức cơ quan kiểm dịch thực vật cho quay đầu ngay, không cho phép xuất khẩu", ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.

Trong thời gian vừa qua, hàng chục lô hàng lên đến cửa khẩu đã phải quay đầu do không được cơ quan kiểm dịch Việt Nam thông qua. Kiểm soát chặt chẽ là cách chúng ta tuân thủ đúng quy định và cam kết với Trung Quốc để giữ vững thị trường.

"Mở được đã khó, duy trì được còn khó hơn và mở rộng thị phần còn khó nữa. Muốn vậy, từ cơ quan nhà nước, các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, người dân phải là một thể thống nhất. Không được để khiếm khuyết khâu nào, nếu khiếm khuyết khâu nào sẽ dẫn tới vi phạm, và dừng ngay mã số đó, doanh nghiệp đó. Nếu tiếp tục 2 - 3 doanh nghiệp như vậy sẽ làm khổ các doanh nghiệp khác, họ cấm luôn ngành hàng đó", ông Hoàng Trung cho biết thêm.

Chính quyền các địa phương và đặc biệt các cơ quan chuyên môn cũng được yêu cầu có trách nhiệm cùng doanh nghiệp, người dân thường xuyên giám sát các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định, chứ không phải khi đã xuất được rồi lại chủ quan, lơ là.

Xây dựng vùng chanh dây xuất khẩu chính ngạch

Năm 2021, Trung Quốc nhập đến 220 tỷ USD hàng nông sản, tăng hơn 28% so với năm trước đó. Do đó, hầu hết các nước, từ Mỹ, Australia, các quốc gia châu Âu, Nam Mỹ đến ASEAN đều muốn vào thị trường này bằng con đường chính ngạch.

Tuy nhiên Trung Quốc cũng là một thị trường ngày càng khó tính. Nông sản các nước, cũng như của Việt Nam, muốn gia tăng thị phần tại đất nước tỷ dân này, việc sản xuất theo tiêu chuẩn được coi như một quy định bắt buộc.

Tỉnh Gia Lai là địa phương có diện tích chanh dây đứng đầu cả nước với khoảng 4.500 hecta. Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân canh tác chanh dây theo hướng bền vững đang được địa phương này triển khai nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Thách thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Công nhân tại một nhà máy ở Gia Lai thu hoạch chanh leo. (Ảnh: TTXVN)

7 năm gắn bó với cây chanh dây, ông Cờ (xã Ðăk Djrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai) đã phần nào yên tâm khi chuyển sang liên kết sản xuất với HTX.

Nhờ ứng dụng sản xuất sạch, giá bán chanh dây loại 1 đạt khoảng 25.000 đồng/kg, còn lại giá bình quân 10.000 đồng/kg. Với 1 ha chanh dây, ông Cờ có thể thu lãi trên dưới 150 triệu đồng.

"Thuốc sinh học mình dùng, quả chanh to đẹp khi mang đi test sẽ ít dư lượng bảo vệ thực vật hơn", ông Bùi Hữu Cờ, xã Ðăk Djrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai, cho hay.

Trong số 4.500 ha chanh dây, đến nay đã có hơn nửa diện tích được nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tỉnh Gia Lai sản xuất theo định hướng VietGAP, GlobalGAP.

3 năm nay đã có thêm các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu ổn định thu mua nguyên liệu chanh dây.

Tỉnh Gia Lai chủ trương đến năm 2025 sẽ mở diện tích lên 20.000 ha. Địa phương cũng khuyến cáo nông dân chọn giống tốt, sạch bệnh và không ngừng củng cố lại các liên kết chuỗi sản xuất.

Tiền Giang sẵn sàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc Tiền Giang sẵn sàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc

VTV.vn - Việc thị trường tỉ dân Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch sầu riêng mở ra cơ hội lớn cho các vùng trồng sầu riêng, trong đó có Tiền Giang, thủ phủ sầu riêng của ĐBSCL.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước