Thành công của mô hình hợp tác công tư PPP tại Quảng Ninh

VTV Digital-Thứ năm, ngày 21/01/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Tháng 6/2020 vừa qua, Quốc hội thống nhất thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), có hiệu lực thi hành từ 1/1 vừa qua.

Trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế khác là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với thực tế. Tại nhiều địa phương, trong đó có Quảng Ninh, mô hình này đã góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng.

Thành công của mô hình hợp tác công tư PPP tại Quảng Ninh - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu chuyên biệt cho du lịch tại Hạ Long là các dự án hạ tầng giao thông nổi bật mang dấu ấn của mô hình "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" tại Quảng Ninh, có sự tham gia của nguồn vốn tư nhân.

Trong 5 năm, từ 2014-2019, Quảng Ninh đã huy động được nguồn vốn trên 46.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Nhà nước chỉ tham gia vào trên 5000 tỷ đồng. Như vậy, 1 đồng ngân sách bỏ ra, thu hút đc 8-9 đồng từ khối tư nhân.

Thành công của mô hình hợp tác công tư PPP tại Quảng Ninh - Ảnh 2.

Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Khó khăn lớn nhất là khung pháp lý khi thực hiện, các dự án lúc đó chưa có khung pháp lý rõ ràng. Vì vậy, chúng tôi phải vận dụng các quy định của pháp luật liên quan tới tất cả các lĩnh vực nhưng hiệu quả các quy định chưa được tròn trịa. Bây giờ, luật hợp tác công tư đã được ban hành rồi, đây là cơ sở pháp lý quan trọng tới đây chúng tôi sẽ triển khai các dự án mang tầm vóc lớn hơn".

Sự đột phá về giao thông là cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế. Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh thu ngân sách hơn 49.000 tỷ đồng, vượt dự toán được giao, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Giải phóng mặt bằng nhanh - Chìa khóa thu hút nhà đầu tư

Giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính là 2 nút thắt lớn nhất mà bất cứ dự án giao thông nào cũng gặp phải trong quá trình triển khai. Để thu hút được nguồn vốn tư nhân, theo mô hình hợp tác công - tư, các địa phương phải gỡ bỏ được các vướng mắc này.

Thành công của mô hình hợp tác công tư PPP tại Quảng Ninh - Ảnh 3.

Tuyến tốc Vân Đồn - Móng Cái là dự án lập kỷ lục về thời gian giải phóng mặt bằng cho hơn 80Km cao tốc. Tháng 7/2020, Quảng Ninh đã phát động chiến dịch "30 ngày đêm" hoàn thành giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, chỉ mất có 15 ngày, tất cả gần 1.200 hộ dân trong phạm vi dự án đã tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng.

Ông Cao Tường Huy cho biết: "Có một bài học kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra, đó là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và điều quan trọng nhất là tạo được mặt bằng sạch để kêu gọi được các nhà đầu tư. Thứ hai là thủ tục hành chính cũng phải cần quan tâm".

Thành công của mô hình hợp tác công tư PPP tại Quảng Ninh - Ảnh 4.

Quảng Ninh đặt mục tiêu hoàn thành tuyến cao tốc này trong năm 2021. Sau khi hoàn thành, Quảng Ninh sẽ có tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh dài 170km, trở thành địa phương có đường cao tốc dài nhất VIệt Nam. Theo các chuyên gia, mô hình hợp tác công - tư cần được nhân rộng, để giảm gánh nặng cho ngân sách.

Không chỉ trong lĩnh vực giao thông, mô hình hợp tác công tư PPP còn được nhân rộng sang cả lĩnh vực như y tế, nông nghiệp. Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP. Như vậy, sẽ sớm có khung pháp lý hoàn thiện về mô hình này để các địa phương triển khai thực hiện.

Hoàn thiện chính sách để thu hút đầu tư PPP Hoàn thiện chính sách để thu hút đầu tư PPP

VTV.vn - Thiếu cơ chế chính sách hoàn chỉnh là một trong những nguyên nhân khiến các dự án giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) khó tìm được các nhà đầu tư tham gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước