Dù giao dịch gần như "đóng băng" khi đã sụt giảm tới 94% so với cùng kỳ, nhưng giá bình quân căn hộ trung cấp tại TP Hồ Chí Minh trong quý 3 vừa qua đã lên tới 45 triệu đồng/m2, tăng 4% so với năm 2020 bất chấp dịch COVID-19.
Trang VnEconomy dẫn báo cáo của một chuyên trang về thị trường bất động sản cho thấy, ngay trong tháng 9, nhu cầu tìm mua các căn hộ chung cư tại TP Hồ Chí Minh tăng hơn 11% dù lúc đó chưa có thông tin thành phố sẽ mở cửa và tái khởi động kinh tế.
Giá căn hộ tăng mạnh nhất trong quý vừa qua ghi nhận tại các khu vực TP Thủ Đức, quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Bình Thạnh, Tân Phú với mức tăng trung bình từ 3 - 7% so với quý trước.
Nguyên nhân chính là do số lượng dự án đủ điều kiện để đưa ra thị trường TP Hồ Chí Minh liên tục sụt giảm, trong quý III nguồn cung căn hộ sơ cấp đã giảm 70% theo năm với 3.000 căn, đặc biệt nguồn cung mới cũng giảm tới 95% theo năm.
Trong tháng 9, nhu cầu tìm mua các căn hộ chung cư tại TP Hồ Chí Minh tăng hơn 11%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Nhà đầu tư Hàn Quốc muốn "ẵm trọn" đối tác Việt Nam
Các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống và bán lẻ tại Việt Nam được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư Hàn Quốc thông qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A) trong giai đoạn tới.
Báo Đầu Tư dẫn lời Cơ quan Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc vẫn ấp ủ nhiều kế hoạch M&A tại Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Thông thường, các doanh nghiệp Hàn Quốc gia nhập thị trường Việt Nam chủ yếu để mở rộng thị trường và gây dựng vị thế trở thành "cứ điểm" xuất khẩu. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn nghiêng về hình thức mua trọn cổ phần chi phối tại doanh nghiệp mục tiêu.
Nếu năm 2019, khoảng 78% doanh nghiệp Hàn Quốc muốn thực hiện các thương vụ thâu tóm cổ phần chi phối, thì năm 2020, con số này đã tăng lên 95%.
Dệt may Việt Nam xuất sang EAEU vượt ngưỡng ưu đãi thuế quan
Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Liên minh các nước kinh tế Á - Âu (EAEU) đang đối mặt với tình trạng vượt hạn ngạch thuế quan ưu đãi nhập khẩu, một số nhóm hàng dệt may có khả năng sẽ bị áp thuế là 12%, thay vì 0% như ưu đãi trong EAEU, thông tin trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Trong công hàm của Ủy ban Kinh tế Á - Âu (EEC) gửi Bộ Công Thương Việt Nam cho thấy, các mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này vượt mức ngưỡng hạn ngạch thuế quan ưu đãi nhập khẩu quy định cho năm 2021 trong 7 tháng đầu năm.
Các nhóm sản phẩm gồm: bộ comple, áo jacket, áo khoác thể thao, quần dài, váy, đầm… đã đạt từ 100% - 175% ngưỡng quy định.
Tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế MFN trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!