Thị trường bán lẻ ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc 2 tháng đầu năm

VTV Digital-Thứ ba, ngày 05/03/2024 10:35 GMT+7

VTV.vn - Theo báo cáo của một số tổ chức quốc tế, thị trường tiêu dùng bán lẻ của Việt Nam kỳ vọng cải thiện trong năm nay, động lực là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng.

Sau năm 2023 nhiều thách thức, thị trường tiêu dùng bán lẻ của Việt Nam kỳ vọng sẽ có sự cải thiện trong năm nay, theo báo cáo mới đây của một số tổ chức quốc tế. Một trong số các động lực là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với động thái mở rộng của một số tập đoàn bán lẻ lớn.

Lượng khách đến chuỗi siêu thị năm 2023 có sự sụt giảm, nhưng tập đoàn ngoại ghi nhận từ giữa năm 2023 đến nay có xu hướng phục hồi. Nhất là thời điểm mua sắm dịp Tết vừa qua lượng khách tăng rõ. Khó khăn của thị trường không làm thay đổi kế hoạch gia tăng đầu tư của tập đoàn, sau khi đã rót gần 1,2 tỷ đô la Mỹ vào thị trường Việt Nam.

"Chúng tôi xác định Việt Nam là thị trường nước ngoài quan trọng nhất của tập đoàn. Không chỉ vì dân số và thu nhập của Việt Nam tiếp tục gia tăng, mà tầng lớp trung lưu cũng hứa hẹn sẽ trở thành thị trường tiêu thụ tiềm năng. Chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng thêm nữa cụ thể là trong năm 2024, là mở mới 4 trung tâm bán lẻ tại Việt Nam", ông Takeuchi Takashi - Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối văn phòng, AEON Việt Nam cho biết.

Sau nhiều năm phát triển mô hình đại siêu thị, thời gian gần đây, tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản đã chú trọng đầu tư những mô hình siêu thị tinh gọn với diện tích linh động từ 1.000 - 5.000 m2. Trong đó kết hợp cả với những mô hình cửa hàng chuyên doanh. Qua đó cho thấy doanh nghiệp ngoại đang quan tâm đến từng ngóc ngách của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tháng 2 vừa qua, Central Pattana - thương hiệu bất động sản bán lẻ lớn của Thái Lan đã lập pháp nhân tại Việt Nam. Động thái được đánh giá là bước mở rộng đầu tư sau khi tập đoàn mẹ thông báo sẽ rót thêm gần 1,5 tỷ đô la Mỹ vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2027.

Theo Tổng Cục Thống kê năm 2023, bán buôn - bán lẻ là một trong những lĩnh vực thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất của nước ta. Dẫn đầu về số giao dịch góp vốn mua cổ phần, tương ứng mức gần 42% số giao dịch.

Ông Matthieu Francois - Giám đốc Hợp danh, McKinsey Việt Nam nhận định: "Trong khu vực châu Á, Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ nhiều triển vọng lạc quan nhất mà chúng tôi quan sát, dù trong bối cảnh khó khăn đi nữa. Thu nhập của người tiêu dùng Việt ngày càng tăng, đặc biệt ở các khu vực ngoài các thành phố lớn. Vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, chỉ là chúng ta sẽ phải chờ đợi lâu hơn để thị trường bật tăng trở lại".

Giới chuyên gia cho rằng sự quan tâm của dòng vốn ngoại vừa mang lại cơ hội, nhưng cũng sẽ gây áp lực thị phần lên nhóm doanh nghiệp nội. Điểm tích cực là những năm gần đây các tập đoàn lớn trong nước cũng phần nào chứng minh khả năng cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ ngoại. Có các hình thức mua bán sáp nhập, mô hình hợp tác đa dạng với khối ngoại để cùng khai thác thị trường, mang lại sự sôi động cho ngành bán lẻ.

Kỳ vọng sức tiêu dùng phục hồi

Thị trường bán lẻ ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc 2 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Chúng ta thấy sự tích cực từ vốn ngoại. Tuy nhiên nhìn vào số liệu kinh tế 2 tháng đầu năm mới nhất được Tổng Cục Thống kê công bố thì tình hình tiêu dùng chưa phải quá lạc quan. Khi mà tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp hơn đáng kể so với mức 14,7% của 2 tháng đầu năm 2023, và so với mức tăng 2 con số thường thấy của chỉ số này trong giai đoạn trước. Cho thấy sức mua vẫn còn chịu thách thức.

Điểm sáng là 2 cấu phần dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng được 14% và đặc biệt là dịch vụ lữ hành tăng gần 36% so với cùng kỳ 2 tháng năm ngoái. Đây là một trong những chỉ báo được giới phân tích kỳ vọng là sức tiêu dùng sẽ có cải thiện trong năm nay.

Báo cáo hồi tháng 2 của ngân hàng HSBC đánh giá: ngành du lịch Việt Nam sau năm 2023 vượt mục tiêu về lượng khách quốc tế, năm nay đang hướng đến mức tổng doanh thu 840.000 tỷ đồng - tức 8% GDP, vượt kết quả năm trước dịch. Nếu triển khai các giải pháp thành công, đây sẽ là động lực quan trọng phục hồi sức tiêu dùng. Bên cạnh đó, các dấu hiệu phục hồi của thương mại toàn cầu, xuất khẩu cũng là yếu tố hỗ trợ.

"Theo đà phục hồi của kinh tế vĩ mô thế giới, cũng như khi chính sách kích thích tiêu dùng sẽ phát huy tác dụng tốt hơn thì sức mua của người tiêu dùng sẽ cải thiện. Qua đó tiêu thu của các doanh nghiệp bản lẻ cũng sẽ cải thiện", bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Năm 2023 sức mua yếu hơn đã đẩy cuộc cạnh tranh về giá trên thị trường trở nên gay gắt, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Năm nay một số nhà bán lẻ đầu ngành cho rằng thị trường sẽ cạnh tranh lành mạnh hơn, chú trọng các mảng tăng thu.

Ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Cấp cao Kinh doanh dự án và Trải nghiệm khách hàng, FPT Retail cho biết: "Chúng tôi sẽ đa dạng hóa sản phẩm theo hướng công nghệ và sức khỏe, ví dụ như mở rộng sang nhóm sản phẩm gia dụng - điện máy. Giảm sự phụ thuộc vào một vài nhãn hàng, nhóm sản phẩm đang chiếm tỷ trọng lớn, nhưng tỷ suất lợi nhuận không hiệu quả".

Không phải lĩnh vực bán lẻ nào cũng khó khăn. Theo nền tảng dữ liệu Metric, tổng doanh thu năm 2023 của 5 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất của Việt Nam vẫn tăng mạnh hơn 50% so với năm trước đó. Xu hướng mua sắm kết hợp giải trí thông qua các buổi livestream ghi nhận doanh thu cao chưa từng có. Do đó theo giới phân tích, các doanh nghiệp nhanh nhạy thay đổi vẫn có nhiều cơ hội.

"Sự thay đổi về thương mại điện tử kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp bán lẻ định hướng lại hoạt động của mình trong thời gian sắp tới. Thay vì chỉ hoạt động offline, thì chúng ta phải hoạt động đa kênh, hay thậm chí là phải có những buổi livestream. Từ đó người tiêu dùng có thể tương tác trực tiếp và mở rộng khách hàng cho doanh nghiệp", ông Đinh Minh Trí - Trưởng Phòng Phân tích Khách hàng Cá nhân, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết.

Giới chuyên gia nhận định vẫn có một số rủi ro để cải thiện sức mua. Như tình trạng phục hồi không đồng đều, các ngành dệt may - da giày vẫn còn nhiều khó khăn. Sự cạnh tranh gay gắt thu hút khách du lịch giữa các nước Đông Nam Á cũng gây không ít thách thức cho tiêu dùng du lịch Việt Nam.

Các chuyên gia nhấn mạnh các chính sách như tiếp tục gia hạn chính sách miễn giảm thuế VAT đến hết nửa đầu năm nay, hay các chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ tiếp tục đóng vai trò bệ đỡ quan trọng giúp phục hồi trụ cột tiêu dùng - vốn chiếm khoảng 1 nủa GDP của nước ta./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước