Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức công bố thông tin về Thông tư 68 do Bộ Tài chính vừa ban hành. Từ ngày 2/11/2024 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể được đặt lệnh mua cổ phiếu không cần ký quỹ trước (prefunding). Nhiều bước chuyển mới hứa hẹn thay đổi bộ mặt thị trường cổ phiếu Việt Nam. Nhưng trên thị trường trái phiếu lằn ranh giữa bảo vệ và siết chặt lại đang khá mong manh.
Thông tư 68 thể hiện sự quyết liệt của các cơ quan quản lý thị trường tài chính trong nỗ lực sớm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025.
Khi nhà đầu tư ngoại khi muốn mua cổ phiếu tại Việt Nam phải theo cơ chế prefunding, tức là đưa tiền trước và chờ T+2 hàng về tài khoản. Tuy nhiên theo nguyên tắc ở nhiều thị trường quốc tế là tiền trao hàng cầm nên nhiều nhà đầu tư ngoại khá lúng túng với quy định này tại Việt Nam.
Giải pháp được đề xuất theo Thông tư 68 là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được đặt lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền. Công ty chứng khoán sẽ là bên thực hiện hỗ trợ ký quỹ trước cho nhà đầu tư ngoại khi họ mua cổ phiếu. Công ty chứng khoán thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán của nhóm nhà đầu tư này để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu theo thỏa thuận giữa 2 bên. Và khi cổ phiếu về thì nhà đầu tư ngoại sẽ đảm bảo nghĩa vụ thanh toán với công ty chứng khoán.
"Có thể đến ngày họ mua thì giá cổ phiếu biến động ngoài kế hoạch hay room cổ phiếu đến hôm định mua hết room không mua được thì họ sẽ tốn nhiều chi phí để việc bán cổ phiếu ở những thị trường khác hoặc chuẩn bị tiền để ở Việt Nam trong khi lại không thực hiện được lệnh mua. Khi Thông tư được triển khai, nhà đầu tư có thuận lợi rất lớn khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Nguyễn Quang Bảo - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Vietcap chia sẻ.
Ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty CP Chứng khoán SSI cho hay: "Thông tư để rất mở tức là yêu cầu nhà đầu tư không phải có đủ tiền trước thời điểm mua tức là không có đồng nào và công ty chứng khoán hỗ trợ 100% hoặc yêu cầu 1 tỷ lệ ứng trước tiền nhất định từ 0 đến 100%. Về phía SSI chúng tôi sẽ cung cấp hạn mức và nhà đầu tư nước ngoài được quyền giao dịch ở trong hạn mức mà chúng tôi cung cấp, có nghĩa nhà đầu tư không phải yêu cầu có một tỷ lệ nhất định, miễn là giao dịch trong hạn mức đấy thì không cần tiền".
Các công ty chứng khoán cho biết sau khi thông tư được ban hành, các khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài để thể hiện sự tự tin hơn rất nhiều khi giao dịch cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới khi tính minh bạch ngày 1 được tăng cường.
Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết: "Cái điểm chính của thông tư này là gỡ nút thắt rất lớn về yêu cầu phải có tiền ký quỹ trước khi thực hiện giao dịch. Thứ 2 là quyền được tiếp cận thông tin một cách bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy định của thông tư mới, các công ty niêm yết, các công ty đại chúng sẽ thực hiện công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng Anh theo một lộ trình được xác định sẵn trong thông tư".
Siết điều kiện nhà đầu tư cá nhân, tách bạch kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Tại dự thảo mới, nhiều đề xuất đáng chú ý được đưa ra nhằm bảo vệ nhà đầu tư, kiểm soát hành vi thao túng thị trường.
Thay đổi các quy định không chỉ để phục vụ việc nâng hạng thị trường chứng khoán mà còn để phát triển thị trường minh bạch và bền vững hơn. Cơ quan quản lý thị trường cũng đang tiến tới những thay đổi để thực sự nâng chất cho thị trường. Bộ Tài chính vừa công bố dự án luật sửa đổi 7 luật, trong đó có Luật Chứng khoán. Tại dự thảo, nhiều đề xuất đáng chú ý được đưa ra nhằm bảo vệ nhà đầu tư, kiểm soát hành vi thao túng.
Tuy nhiên lằn ranh giữa bảo vệ và siết chặt cũng rất mong manh. Ví dụ như trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp với những đề xuất yêu cầu cao hơn hẳn về điều kiện để được coi là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp để được mua trái phiếu riêng lẻ.
Tham gia đầu tư chứng khoán từ 2 năm trở lên; giao dịch tối thiểu 10 lần trong 1 quý, trong 4 quý gần nhất; danh mục chứng khoán tối thiểu là 2 tỷ đồng và phải có thu nhập tối thiểu là 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất. 1 loạt yêu cầu để được công nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo các nhà đầu tư lâu năm trên thị trường, những điều kiện này, quá khó để đáp ứng.
"Tôi giao dịch tới đây cũng được 14, 15 năm, tôi giao dịch với tần suất thấp nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận tốt. Tôi thấy tần suất giao dịch thì không có đánh giá được nhà đầu tư chuyên nghiệp hay không", ông Trịnh Nguyên Minh Đức, nhà đầu tư cá nhân chia sẻ.
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công ty chứng khoán DSC cho hay: "Quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, theo tôi quy định hiện giờ đã khá chặt chẽ rồi. Và thêm quy định mới, đặc biệt xét về số lần giao dịch trong 1 khoảng thời gian nhất định, theo tôi là quá chi tiết".
Tuy nhiên, ngay cả khi điều kiện để trở thành nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tăng lên, thì họ vẫn bị loại khỏi danh sách tham gia các đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Hoạt động này chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia.
Điều này làm dấy lên lo ngại, sẽ làm hạn chế đáng kể vai trò của nhà đầu tư cá nhân, vốn đang nắm giữ gần 27% lượng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường, và cũng làm cho việc huy động vốn của doanh nghiệp qua kênh trái phiếu trở nên khó khăn hơn.
Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật BASICO cho hay: "Khi mà chúng ta đặt ra những yếu tố chặt chẽ hơn, hạn chế hơn, thì chúng ta sẽ xem về mục đích tầm xa của nó. Cái dự thảo lần này sẽ tạo nên 1 sự chặt chẽ trên mức cần thiết. Và tôi cho rằng chắc chắn nó sẽ tạo nên 1 việc khó hơn trong việc giao dịch trái phiếu trên thị trường".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc sàng lọc lại nhà đầu tư tham gia giao dịch trái phiếu riêng lẻ là phù hợp với thông lệ quốc tế.
"Không nhiều nhà đầu tư cá nhân có đủ khả năng thẩm định được khả năng trả nợ gốc cũng như lãi hoặc rủi ro việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Do đó chúng ta có thể tách bạch khâu phát hành này", ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công ty chứng khoán DSC cho hay.
Ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Ratings cho biết: "Những điều mà Bộ Tài chính đang quy định thì chúng tôi cho rằng nó phù hợp về mặt trung và dài hạn nhưng trong ngắn hạn thì chúng tôi cho rằng những điều kiện hiện nay nó đang có phần khắt khe. Và thứ 2 nó cũng làm ảnh hưởng đến vấn đề các nhà đầu tư chuyên nghiệp hiện nay cũng là 1 trong những nhân tố chính thúc đẩy thị trường trái phiếu Việt Nam".
Việc hạn chế nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp trực tiếp giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, theo các chuyên gia, giống như có việc điều tiết lại dòng chảy đầu tư.
Xây dựng lộ trình phù hợp. Hướng dòng vốn nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu trên sàn giao dịch thứ cấp, hoặc gián tiếp qua các tổ chức như quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp tách bạch và minh bạch hơn.
Theo thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, 8 tháng năm 2024, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ bằng 30% so với năm 2020 cũng như năm 2021. Số dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1,1 triệu tỉ đồng, bằng 10% GDP, quá thấp so với mục tiêu Chính phủ đề ra là 20% GDP vào năm 2025.
Định hướng để nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp qua các nhà đầu tư tổ chức như quỹ có nhiều điểm hợp lý. Nhưng điểm chưa hợp lý là quỹ đầu tư hiện nay chỉ được mua tối đa 20% danh mục cho trái phiếu riêng lẻ. Trong khi trên thị trường 90% tỷ trọng là trái phiếu riêng lẻ và quá ít trái phiếu phát hành ra công chúng.
Những phép thử chính sách sẽ phù hợp hơn với 1 thị trường khỏe mạnh thay vì với 1 thị trường mới chớm hồi phục và cần thêm động lực như trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường cổ phiếu đang cho thấy 1 tinh thần đổi mới cởi mở phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế, vậy tại sao 1 tinh thần tương tự lại đang thiếu đi nơi kênh dẫn vốn quan trọng không kém là trái phiếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!