Vài năm gần đây, Scommerce đã nổi lên tại Việt Nam là một cái tên triển vọng trong ngành giao vận logictics mà cụ thể là logistics trong thương mại điện tử hay e-logistics khi startup này trở thành một trong những đối tác giao hàng quan trọng của rất nhiều tên tuổi đầu ngành như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo...
Có thể nói, động thái đầu tư của Temasek vào Scommerce cũng là đầu tư vào tương lai của ngành e-logistics tại Việt Nam. Vậy thị trường này có gì hấp dẫn?
Trước khi nhận nguồn vốn trăm triệu USD từ Tập đoàn đầu tư Temasek, doanh nghiệp Scommerce đang trong quá trình đầu tư 2 hệ thống phân loại hàng tự động tại Hà Nội và TP.HCM với trị giá lên đến 4 triệu USD.
Sau khi áp dụng công nghệ phân loại tự động, doanh nghiệp đã có thể xử lý 30.000 đơn hàng/giờ chỉ với 150 nhân công, tiết kiệm đến 75% số nhân công so với trước đây.
Đại diện doanh nghiệp lý giải, sự đầu tư là cần thiết bởi thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển ngày càng nhanh với yêu cầu cũng ngày một khắt khe.
Theo báo cáo mới nhất về nền kinh tế số Việt Nam của nhóm đối tác Google, năm 2019 giá trị ngành thương mại điện tử đã đạt 5 tỷ USD, vượt qua ngành du lịch trực tuyến để trở thành lĩnh vực có giá trị cao nhất cấu thành nền kinh tế số Việt Nam hiện nay. Với tốc độ tăng trưởng kép sẽ tiếp tục duy trì mức gần 50% đến năm 2025, dễ hiểu khi thị trường logictis cho thương mại điện tử cũng trở nên đặc biệt sôi động trong những năm gần đây, với hàng chục thương hiệu trong và ngoài nước đều muốn tham gia chia sẻ miếng bánh thị phần.
Nguồn vốn dồi dào từ các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ là nguồn nhiên liệu quan trọng giúp các thành viên thị trường tăng tốc. Thực tế cũng theo nghiên cứu từ nhóm đối tác Google, hiện cứ 3 USD đầu tư vào kinh tế số ở Đông Nam Á là có đến 2 USD là dành để đầu tư cho các công ty thuộc lĩnh vực thương mại điện tử hoặc gọi xe công nghệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!