Lương tối thiểu dù đã tăng lên mức 12 Euro, khoảng 300.000 đồng cho mỗi giờ làm việc, nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhân lực trong một số ngành lao động giản đơn.
Quán xá tại Đức đang rất khó tuyển dụng nhân lực, kể cả trong những việc đơn giản như cắt rau củ hay rửa bát đĩa.
Một tờ báo ra tại Đức cho biết: "Nhiều chủ nhà hàng phàn nàn khan hiếm nhân công, đến mức phải giảm giờ mở cửa trong một số trường hợp, hoặc là thay vì mỗi tuần chỉ nghỉ bán hàng 2 ngày, thì nay buộc phải nghỉ 3 ngày, do không có người làm".
Bài báo viết: "Hiện nay có nhiều vị trí trong ngành nhà hàng khách sạn không thể tuyển dụng nổi. Nhìn chung tình hình sẽ còn tiếp tục xấu thêm trong tương lai gần".
Nhiều chủ nhà hàng tại Đức hàng phàn nàn khan hiếm nhân công, đến mức phải giảm giờ mở cửa trong một số trường hợp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Financial Times)
Để thu hút nhân lực, các nhà hàng và khách sạn tại Đức không tăng lương, mà chọn cách giảm giờ làm. Một ví dụ tờ Rheinische Post thuật lại: "Một trung tâm nghỉ dưỡng tại Đức chủ động cho nhân viên nghỉ thêm 4 tiếng mỗi tuần nhưng vẫn giữ nguyên lương thưởng. Trong tương lai, nhân viên tại đây sẽ chỉ làm việc 4 ngày mỗi tuần".
Điều đặc biệt, khi nói tới thiếu nhân lực, báo chí Đức thường nhấn mạnh tới các nghề đơn giản không cần phải đào tạo quá công phu, như phụ bếp hay lao công.
Làn sóng nhập cư từ Ukraine từ đầu tháng 3 năm nay đang được kỳ vọng giúp nước Đức trong ngắn hạn có thêm nhân lực.
Nhật báo Aalener Nachrichten của Đức viết rằng: Từ ngày 1/6 năm nay, người Ukraine nhập cư vào Đức được chính phủ Đức cho hưởng trợ cấp thất nghiệp mức độ 2, mặc dù họ chưa ngày nào làm việc hay đóng bảo hiểm xã hội tại Đức". Đây là bước đi quan trọng giúp họ hội nhập thị trường lao động Đức.
Bài báo viết: "Nước Đức cũng tạo thuận lợi, nếu họ muốn có công việc phù hợp với khả năng, hoặc muốn học nghề".
Tuy nhiên, nguồn nhân lực từ Ukraine chỉ là giải pháp tình thế cho thị trường lao động Đức. Thứ nhất là hơn 80% người Ukraine trong độ tuổi lao động vừa tới Đức là phụ nữ, không mấy người biết tiếng Đức. Thứ hai là đa số người nhập cư từ Ukraine coi việc phải đi lánh nạn ở Đức chỉ là tạm bợ.
Tờ Thuringer Allgemeine có phóng sự về 2 mẹ con người Ukraine tới Đức hồi đầu tháng 3, được một phụ nữ Đức cưu mang. Người phụ nữ Ukraine tên là Tanja nói với phóng viên tờ báo rằng: "Ước nguyện cháy bỏng của tôi vẫn là được quay về sinh sống tại quê nhà Ukraine, khi không còn phải lo sợ bom rơi đạn nổ".
Về lâu dài, nguồn nhân lực từ Nam Âu và châu Á, thường có nguyện vọng định cư lâu dài tại Đức, vẫn là giải pháp cho thị trường lao động.
Xuất khẩu lao động khởi sắc VTV.vn - Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc tiếp nhận lao động Việt Nam tại 3 thị trường lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã trở lại bình thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!