Ngày 15/11, nội các Anh đã chính thức thông qua bản thỏa thuận sơ bộ về tiến trình rời liên minh châu Âu hay Brexit. Đây được xem là một bước đột phá quan trọng sau các nỗ lực đàm phán khó khăn dai dẳng. Tuy nhiên, những phản ứng từ thị trường tài chính cho thấy, khó khăn vẫn đang chồng chất với chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May.
Ít nhất 2 thành viên chính phủ Anh, bao gồm cả Bộ trưởng phụ trách đàm phán Brexit Dominique Rabb đã từ chức, thể hiện sự bất đồng của mình với bản thỏa thuận Brexit vừa được thông qua. Đồng Bảng Anh giảm gần 2% so với đồng USD, mức giảm mạnh nhất ghi nhận trong 17 tháng qua, do lo ngại phản ứng của ông Rabb sẽ châm ngòi cho một làn sóng từ chức mới.
Bản thỏa thuận Brexit có được sự thông qua của đa số bộ trưởng nhưng có khoảng 10 trong số 22 thành viên chính phủ thể hiện không đồng tình với các nội dung thỏa thuận.
Trên thị trường, ý kiến từ ngân hàng Nomura của Nhật cho rằng, đồng Bảng Anh sẽ tiếp tục bất ổn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May đã từng trải qua những thời điểm còn khó khăn hơn lúc này.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh trên sàn chứng khoán London với Barclays, Lloyds hay Ngân hàng hoàng gia Scotland RBS giảm từ 5 đến 7%. Đây là một biến động mạnh không thường gặp ở nhóm ngân hàng, nhưng là một chỉ báo quan trọng cho thấy tâm lý lo ngại của nhà đầu tư với tương lai kinh tế Anh do nhóm này có sự liên quan chặt chẽ và nhạy cảm với mọi biến động vĩ mô.
Nội dung của bản thỏa thuận sơ bộ Brexit đáng lẽ ra phải cổ vũ được thị trường vì nó gồm những nội dung rất tích cực mà giới doanh nghiệp và đầu tư chờ đợi như việc Anh sẽ vẫn ở trong khu vực thị trường chung châu Âu trong suốt giai đoạn chuyển tiếp từ sau ngày 29/03/2019 đến tháng 12/2020, trong khi chờ một quan hệ thương mại mới được thống nhất.
Tuy vậy, phản ứng thị trường ngày 15/11 cho thấy, nhà đầu tư cũng có vẻ không mấy tin tưởng rằng bản thỏa thuận này sẽ êm đẹp mà đi vào thực thi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!