Thị trường thức ăn nhanh: DN Việt không có chỗ đứng?

Trí Hiển-Thứ năm, ngày 20/02/2014 05:46 GMT+7

Trong khi các thương hiệu thức ăn nhanh nước ngoài hoạt động khá sôi động trên thị trường Việt Nam thì dường như, các thương hiệu của Việt Nam lại thiếu vắng.

Theo nhận định của chuyên gia về thương hiệu, trước khi tấn công vào thị trường Việt Nam, McDonald’s đã phải nghiên cứu và thị trường phải đạt được 3 yếu tố như dân số, thu nhập trung bình và văn hóa ẩm thực. Việt Nam hiện nay có 65% dân số dưới độ tuổi 35, tầng lớp trung lưu có thu nhập khá và cao tăng trưởng nhanh, giới trẻ có xu hướng thị hiếu phong cách phương Tây và thực tế chưa có doanh nghiệp Việt thực sự có thể đáp ứng nhu cầu này.

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang thì “thị trường thức ăn nhanh được quan tâm nhiều, nhưng bản thân kỹ năng quản lý của doanh nghiệp Việt Nam cũng như tầm nhìn còn thấp. Xét về tiềm năng, văn hóa Việt là văn hóa mạnh về ẩm thực và chúng ta phải học hỏi những nét tương đồng như Nhật Bản, họ làm quá tốt về ẩm thực, bản chất bản thể cần phải ngon, rất sạch và lành mạnh”.

Thế mạnh của sản phẩm thức ăn nhanh Việt Nam như bánh mỳ, xôi lá chuối, bánh ngọt… đều có tiềm năng nhưng sự phát triển về quy mô còn nhỏ lẻ, tự phát, cá biệt và chưa có định hướng phát triển thành một quy trình hoàn thiện và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, bốn yếu tố chính về phát triển hệ thống của doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập như hệ thống chuỗi khó tạo ra lợi nhuận bền vững, thứ hai là tính kiểm soát về tính đồng nhất, khả năng nhân rộng của hệ thống và khả năng tìm những người tiếp thị để nhượng quyền hệ thống, điển hình như Phở 24.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Tư vấn The Pathfinder cho rằng: “Xét về doanh số, chúng ta chiếm ưu thế nhưng xét về góc độ phát triển hiện đại theo chuỗi, quy mô hệ thống thương hiệu, chúng ta hơi thất thế. Thị trường thức ăn nhanh cũng là một thị trường mới nổi nên cơ hội về lâu dài lớn và thị hiếu đáp ứng cho thế hệ trẻ càng cao”.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP, điểm yếu của doanh nghiệp hiện nay là hoạch định tài chính khiến nhiều doanh nghiệp ngại ngần khi cạnh tranh đối đầu trực tiếp với các thương hiệu tầm cỡ thế giới. Nhưng cơ hội vẫn còn bỏ trống khi phân khúc thị trường còn rất nhiều đối tượng như sinh viên, học sinh với túi tiền thấp hơn có khao khát nhu cầu bước vào những môi trường bán lẻ hiện đại.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Những công ty nước ngoài đầu tư vào thức ăn nhanh như KFC, họ đặt nhiều cửa hàng thức ăn nhanh nhưng theo tôi, đối tượng chưa nhiều và họ chỉ đặt giữ chỗ cho kế hoạch lâu dài, họ chưa có lợi nhuận lớn từ bây giờ. Thực sự, nếu khảo sát kỹ, nhu cầu các bạn trẻ không phải đến đó để ăn, mà họ đến để giao tiếp là chính, chúng ta cần phải khai thác những nhu cầu giao tiếp khung cảnh sang trọng”.

Dù cho bức tranh thị trường thức ăn nhanh đã có nhiều thương hiệu nước ngoài, nhưng với những khoảng trống phân khúc thị phần vẫn còn nhiều hứa hẹn dành cho các doanh nghiệp trong nước. Qua việc học hỏi quy trình chuyên nghiệp hóa, đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm, việc phát triển các thương hiệu thức ăn nhanh Việt Nam sẽ còn cơ hội phát triển để các sản phẩm Việt Nam có thể xuất hiện trên bản đồ thức ăn, ít nhất là ở trong nước. Theo các chuyên gia, điều này hoàn toàn có thể thành hiện thực nếu biết khai thác, tận dụng những yếu tố sẵn có, thói quen ăn uống của người Việt. Tất nhiên, phải kèm theo sự chuyên nghiệp.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước