Thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất tổ chức tái chế

Chinh Vũ-Thứ sáu, ngày 27/10/2023 15:51 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh các giải pháp đầu tư cho cơ sở hạ tầng tái chế từ nhà nước, các sáng kiến mới từ khối tư nhân cũng đang được triển khai.

Từ đầu năm sau, quy định thực hiện EPR - trách nhiệm mở rộng tái chế của nhà sản xuất theo Luật Bảo vệ môi trường, sẽ chính thức có hiệu lực. Lúc đó, thay vì tái chế lượng rác từ sản phẩm một cách tự nguyện, sẽ trở thành bắt buộc. Tuy nhiên, cách thức triển khai sao cho hiệu quả vẫn còn có nhiều câu hỏi. Đây cũng là chủ đề chính của Hội thảo "Hướng đến việc triển khai thành công quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - EPR tại Việt Nam" do Liên minh Tái chế Bao bì PRO Việt Nam tổ chức.

Dù quy định EPR - trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong tái chế, chưa chính thức áp dụng, doanh nghiệp đã có quá trình thí điểm tổ chức tái chế vỏ hộp giấy đựng thức uống của mình.

Đây là loại vật liệu có giá trị thấp nên hiện phần lớn không được các lực lượng thu gom đi tái chế. Do đó doanh nghiệp phải tìm cách trợ giá cho các hợp tác xã, vựa ve chai để khuyến khích thu gom. Kết quả thí điểm năm 2022 đã thu gom, tái chế 340 tấn vỏ hộp giấy. Tuy nhiên cách làm này không thể được áp dụng lâu dài để đáp ứng EPR vì thiếu hiệu quả.

"Về lâu dài chúng tôi tin tưởng là cần có hệ thống phân loại tại nguồn hiệu quả để giảm chi phí, thay vì có hệ thống riêng biệt để thu gom từng loại vật liệu", bà Lương Thanh Thư, Quản lý Phát triển bền vững, Tetra Pak Việt Nam, cho biết.

Theo số liệu kiểm toán tại TP Hồ Chí Minh, trong tổng số lượng rác có thể tái chế được, có đến khoảng 70 - 80% là các loại vật liệu giá trị thấp khiến phần lớn không được thu gom, tái chế.

Thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất tổ chức tái chế - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Trong khi lực lượng phi chính thức gồm ve chai, vựa ve chai, rác dân lập... lại thu gom đến 70% lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày của thành phố này. Do đó nếu không có cách phối hợp, làm việc với lực lượng này, thì khó tổ chức tái chế hiệu quả.

"Điều Việt Nam thực sự đang thiếu hụt chính là cơ sở hạ tầng về thu gom rác. Vì lực lượng thu gom rác phi chính thức đang chưa được nhìn nhận đúng mức. Chúng tôi cho rằng cơ quan quản lý nên sử dụng một phần nguồn quỹ bảo vệ môi trường để cải thiện hạ tầng thu gom, hỗ trợ lực lượng phi chính thức hoạt động chính danh hơn", ông Binu Jacob, Phó Chủ tịch Phụ trách Đối ngoại, Liên minh Tái chế Bao bì PRO Việt Nam, nhận định.

"Trong thời gian tới, vai trò của việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn cho người dân thực hiện phân loại là hết sức quan trọng; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp để có thể thực hiện được việc đầu tư hệ thống phân loại, thu gom, tái chế và xử lý rác thải", PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, cho hay.

Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang có đề xuất sử dụng nguồn tiền từ Quỹ bảo vệ môi trường mà doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xử lý rác, để hỗ trợ các chính quyền địa phương thực hiện các dự án đầu tư về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.

Bên cạnh các giải pháp đầu tư cho cơ sở hạ tầng tái chế từ nhà nước, các sáng kiến mới từ khối tư nhân cũng đang được triển khai. Điển hình như máy tái chế vỏ chai nhựa tự động vừa được triển khai tại TP Hồ Chí Minh, người dùng chỉ cần cho vỏ chai vào máy, máy sẽ tự động nghiền thành các mảnh nhựa RPET, được cho là sẽ giúp giảm được chi phí vận chuyển. Dự kiến đến đầu năm sau, khoảng 100 chiếc máy như thế này sẽ được đặt tại các siêu thị và trường học tại TP Hồ Chí Minh.

Tăng trách nhiệm tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn Tăng trách nhiệm tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

VTV.vn - Quy định EPR - tăng trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, có hiệu lực từ đầu năm sau sẽ là công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tại Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước