Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 71 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và Quý III năm 2024. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của doanh nghiệp, người dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2024 thể hiện rõ sự phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trước tình hình đó, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đồng thời biến đau thương thành hành động trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 7 và Quý III năm 2024.
Công điện số 71 của Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương.
Tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp: Như nội dung trong Công điện số 71, trước tình hình kinh tế - xã hội còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nên tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp là điều mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành vào cuộc ngay trong tháng 7. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí đã được ban hành.
Với việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thay vì đến hết tháng 6 vừa qua thì chính sách này sẽ được kéo dài hết năm nay. Và ước tính, người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng khoảng 47.000 tỷ đồng từ việc giảm thuế VAT 2%.
Bên cạnh đó, cũng thụ hưởng 84.000 tỷ đồng từ chính sách gia hạn nộp thuế theo Nghị định số 64 của Chính phủ: gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho những tháng cuối năm nay. Đây là nguồn lực để doanh nghiệp có thể đầu tư máy móc, phục hồi sản xuất.
"Qua gia hạn thuế và giảm thuế GTGT thì chúng tôi có 1 phần tài chính để quản lý đầu tư. Trong 4-5 năm qua chúng tôi đã đầu tư 4-5 con robot để cải tạo môi trường lao động cho công nhân, tăng năng suất cho người lao động. Năng suất được tăng 1,7-1,8 lần so với trước, thu nhập của người lao động được nâng lên", ông Đặng Thế Nguyện - Giám đốc Công ty TNHH Lam Sơn chia sẻ.
Bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết: "Việc giúp doanh nghiệp có thể phục hồi sau đại dịch Covid-19 như vậy là rất cần thiết, phải đưa ra thêm duy trì các giải pháp về thuế phí, lệ phí. Hết năm 2024 chúng tôi sẽ hy vọng doanh nghiệp sẽ phục hồi".
Triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế cho người dân, doanh nghiệp
Hàng triệu người dân và hàng trăm nghìn doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách gia hạn nộp thuế và giảm tiền thuế GTGT.
Để thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, phí, trao đổi với phóng viên, Tổng cục Thuế cho biết, đã có Công điện gửi tới các tỉnh, thành phố, yêu cầu tuyên truyền dưới nhiều hình thức để người dân, doanh nghiệp biết và thụ hưởng.
Để thụ hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, doanh nghiệp chỉ cần gửi 1 giấy đề nghị gia hạn theo mẫu tới bộ phận 1 cửa cơ quan thuế, hoặc có thể gửi qua đường điện tử. Sau đó sẽ được cơ quan thuế tiếp nhận và giải quyết ngay, mà không cần phải thực hiện thêm bất kỳ thủ tục hành chính nào.
Tại Cục thuế TP Hà Nội, nhiều biện pháp tuyên truyền khác nhau đã liên tục được thực hiện, để người nộp thuế nhanh chóng nắm bắt.
Ông Nguyễn Tiến Minh - Phó Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội thông tin: "Chúng tôi đã phối hợp nhanh với Sở Thông tin và Truyền thông, VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, hiệp hội doanh nghiệp trẻ, để đăng tải thông tin liên quan đến gia hạn. Trong thời gian từ nay đến 30/9 thì người nộp thuế chỉ cần nộp giấy gia hạn, trong thời gian này mà chưa kịp nộp thì cơ quan thuế vẫn tiến hành gia hạn cho người nộp thuế".
Dự kiến sẽ có hàng triệu người dân và hàng trăm nghìn doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách gia hạn nộp thuế và giảm tiền thuế GTGT.
TP Hồ Chí Minh điều chuyển hơn 8.400 tỷ đồng vốn, cải thiện giải ngân đầu tư công
TP Hồ Chí Minh đã quyết định điều chuyển hơn 8.400 tỷ đồng vốn đầu tư công từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án có phương án giải ngân khả thi hơn.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công: Cũng nằm trong nhóm giải pháp về chính sách tài khoá, ngoài giảm thuế phí, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thì Công điện số 71 cũng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương kịp thời điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.
TP Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước đã thực hiện đúng yêu cầu này. Đến hết tháng 6, lượng vốn giải ngân đầu tư công của Thành phố này đã đạt hơn 10.900 tỷ đồng, tương ứng gần 14%. Trước tình trạng nhiều dự án giải ngân chậm, Thành phố đã quyết định điều chuyển hơn 8.400 tỷ đồng vốn đầu tư công từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án có phương án giải ngân khả thi hơn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố, năm nay đầu tàu kinh tế có hơn 100 dự án dự kiến không dùng hết vốn đã được giao. Đa số thuộc lĩnh vực cầu đường và giải phóng mặt bằng.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: "Về công tác điều chỉnh quy hoạch cũng như bồi thường giải phóng mặt bằng, khi triển khai thực hiện thì dù họp rất nhiều nhưng vẫn vướng, cần tập trung triển khai tháo gỡ. Hai nhóm này sẽ tháo gỡ rất lớn việc giải ngân cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án".
Tổng số vốn đầu tư công vừa quyết định được điều chuyển để đảm bảo giải ngân khả thi hơn trong nửa cuối năm, là hơn 8.400 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cho biết, số vốn điều chuyển sẽ tập trung dùng cho các dự án xây dựng trường học, công tác giải phóng mặt bằng tại các quận huyện đang thực hiện dở dang. Đồng thời để hỗ trợ thúc tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn như đường Vành đai 2 TP Hồ Chí Minh, các trục đường kết nối vùng ven đến khu trung tâm.
"Cùng với đường Tân Kỳ Tân Quý đang mở rộng, sẽ hình thành trục kết nối Quốc lộ 1A với sân bay Tân Sơn Nhất và trung tâm thành phố. Góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, tăng khả năng kết nối giao thông", ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho hay.
Lãnh đạo chính quyền TP Hồ Chí Minh yêu cầu bộ máy thực hiện các thủ tục chuyển giao vốn nhanh nhất có thể. Để đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân đạt 95%, trong 6 tháng cuối năm Thành phố cần đưa gần 65.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vào nền kinh tế.
Nỗ lực duy trì tăng trưởng xuất khẩu gạo nửa cuối năm
Gạo tiếp tục là một trong những điểm sáng của bức tranh xuất khẩu năm nay.
Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu: Công điện số 71 cũng đề cập đến một trong 3 chiến mã của cỗ xe tam mã: đó là xuất khẩu. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng; ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới.
Gạo là một trong những điểm sáng của bức tranh xuất khẩu năm nay. 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 3 tỷ USD, tăng 32% về giá trị so với cùng kỳ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định rằng: nguồn cung gạo dồi dào không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước, mà còn là nguồn cung ổn định duy trì, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới.
Kế hoạch từ nay đến cuối năm, Tập đoàn Tân Long sẽ phải đẩy mạnh xuất khẩu trên 400.000 tấn gạo để hoàn thành mục tiêu năm. Những tín hiệu tích cực từ thị trường Indonesia và Philippines cũng đã củng cố động lực hoàn thành kế hoạch trên.
"Chúng tôi sẽ thu mua, khi chúng tôi có lượng nhất định trong tay thì chúng tôi mới chào bán, khi đó đảm bảo được việc tránh giảm thiểu rủi ro khi mình bán trước mà chưa có chân hàng. Trong quá trình bán thì mình cũng sẽ cân nhắc thêm xem thị trường tăng giảm ra sao thì chúng ta sẽ mua vào để bình quân được giá thành của mình", anh Lê Anh Nam - Trưởng phòng xuất khẩu gạo, CTCP Tập đoàn Tân Long chia sẻ.
Cơ hội xuất khẩu cho gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm còn đến từ thị trường Trung Quốc, vì thời điểm cuối năm thường gia tăng nhu cầu từ thị trường tỷ dân này. Các doanh nghiệp đã có thêm nhiều khách hàng đàm phán nhập khẩu gạo 5% tấm với giá từ 570 USD/1 tấn.
Ông Nguyễn Văn Thành - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho hay: "Hiện nay, các khách hàng từ Philippines và từ Trung Quốc qua Việt Nam đàm phán rất là nhiều để mua những hợp đồng lớn. Tuy nhiên thì Công ty cũng đã làm sao đảm bảo được lợi nhuận cho bà con nông dân thì đàm phán với giá tốt nhất để cho doanh nghiệp có lãi và nông dân có lãi nhiều hơn".
Trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang Singapore đạt tốc độ tăng trưởng tới 44%, theo đại diện Bộ Công thương đây là thị trường khá tiềm năng với dòng gạo chất lượng cao trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết: "Việc các nước ASEAN cũng tăng cường mua gạo của nhau cũng là một yếu tố thuận lợi trong cùng một khối. Tuy nhiên về cơ bản chúng ta thấy thị trường hiện nay mang tính cạnh tranh, tính mở, do vậy các doanh nghiệp của chúng ta vẫn luôn luôn phải làm sao đảm bảo được chất lượng gạo cũng như sự cung ứng".
Những tháng cuối năm thị trường gạo thế giới có thể chịu tác động bởi tín hiệu từ thị trường Ấn Độ, tuyên nhiên theo đại diện Bộ Công thương do nhu cầu về mặt hàng gạo trên thế giới vẫn duy trì cao, nên chúng ta vẫn có khả năng thúc đẩy xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm.
Trong Công điện số 71, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính còn giao những nhiệm vụ rất cụ thể khác cho các Bộ, cơ quan, địa phương. Công điện 71, cũng là tinh thần mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ muốn các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân hướng đến lúc này, chính là biến đau thương thành hành động trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Để giữ vững nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay!".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!