Về dự thảo của Bộ Tài chính đề xuất việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt có gas không cồn, một số ý kiến lo ngại rằng, nếu như đề xuất này được thực hiện sẽ ảnh hưởng đến doanh số của ngành công nghiệp sản xuất
nước giải khát trong nước. Tuy nhiên, với thị phần chỉ 10%, các DN trong nước cho biết, quy định này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến họ.
Tân Hiệp Phát và Tribeco là hai doanh nghiệp nội lớn nhất tham gia vào thị trường nước ngọt có gas không cồn. Tuy nhiên, mặt hàng này đều không phải là sản phẩm cốt lõi của doanh nghiệp. Chỉ chiếm rất ít trong doanh số bán hàng nên đại diện của cả hai doanh nghiệp cho biết, nếu nước ngọt có gas bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của họ.
‘ Thuế TTĐB nước ngọt có gas không ảnh hưởng nhiều đến DN trong nước. Ảnh: VTV Online
Ông Tsai Ho Feng, Phó TGĐ Tribeco cho biết: “Mỗi tháng công ty chúng tôi chỉ sản xuất khoảng 80.000 thùng nước giải khát có gas, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng. Nếu như có áp dụng đề xuất của Bộ Tài chính lên nước có gas thì không phải toàn bộ mức thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đánh lên giá bán sản phẩm, mà công ty sẽ chủ động san sẻ một phần với người tiêu dùng bằng cách tiết giảm chi phí”.
Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Niesel tại 6 thành phố lớn của Việt Nam, thị phần của các doanh nghiệp sản xuất nước ngọt có gas trong nước chỉ chiếm chưa đầy 10%, hơn 90% còn lại hoàn toàn thuộc về các DN ngoại như Coca và Pepsi. Do đó có thể thấy việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt có gas không cồn sẽ chủ yếu tác động lên các DN ngoại.
Hiện các DN ngoại như Coca và Pepsi đều từ chối đưa ra ý kiến về đề xuất này của Bộ Tài chính, mọi quan điểm của hai DN này sẽ đều thông qua phát ngôn của phòng thương mại Mỹ AMCHAM.