Doanh nghiệp tư nhân hay các tập đoàn nước ngoài tham gia thương mại điện tử tại Việt Nam là câu chuyện không còn mới. Tuy nhiên, điều đáng nói là thời gian qua, một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng tham gia thị trường này, sự kiện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam vừa công bố tham gia thị trường này là một sự kiện đáng chú ý cho thấy các DN cũng đang tái cơ cấu lĩnh vực hoạt động nhằm khai thác thế mạnh sẵn có.
Nhận thấy tiềm năng từ thương mại điện tử, thời gian qua, hàng loạt DN đã tham gia lĩnh vực này. Đáng chú ý là Tập đoàn Viettel xây dựng website bán đặc sản hay Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử cũng chuyên bán các sản phẩm, hàng hóa đặc sản. Hai DN này có lợi thế về chuyển phát nhanh với hệ thống bưu cục trải dài cả nước nên mức phí chuyển hàng cạnh tranh so với các đơn vị khác.
Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, 3 yếu tố tác động đến thành công của các sàn thương mại điện tử gồm chuyển phát, thanh toán và niềm tin của người tiêu dùng. Các tập đoàn chuyển phát nhanh đã có lợi thế về vận chuyển nhưng do nhiệm vụ phải tập trung vào mảng kinh doanh chính nên nếu không đầu tư cho các sàn giao dịch sẽ khó thành công.
Năm 2016, doanh số thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam đã đạt 5 tỷ USD, chiếm trên 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Các chuyên gia đánh giá đây là yếu tố chứng tỏ tiềm năng và sức hút mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!