Thương mại Việt - Mỹ: Quan hệ mang lại lợi ích cho cả đôi bên

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 27/02/2019 10:52 GMT+7

VTV.vn - Các DN Mỹ trong những năm qua đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam và coi phát triển thương mại với Việt Nam là một quá trình mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên.

Hôm nay (27/2) sẽ chính thức diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Nhân dịp Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Việt Nam, dự kiến sẽ có chương trình ký kết các hợp đồng thương mại quan trọng giữa Việt Nam và đối tác thương mại Hoa Kỳ. Thương mại vốn là một trụ cột quan trọng trong mối quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ. 25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng gần 120 lần, từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018.

Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ. Theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), trong tháng 1, Hoa Kỳ đã chiếm 23,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tiếp tục giữ vững vị thế là thị trường trọng điểm của Việt Nam.

Còn ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ trong những năm qua cũng đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam, coi phát triển thương mại với Việt Nam là một quá trình mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên, Mỹ và Việt Nam.

Thời gian tới, hãng Boeing sẽ sản xuất ra những chiếc máy bay Boeing 787, 777, 737 theo đơn đặt hàng của các hãng hàng hàng không Việt Nam. Gần đây nhất, hãng Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC của Việt Nam ký thỏa thuận mua 20 máy bay từ hãng Boeing với tổng trị giá 5,6 tỷ USD. Boeing cũng tích cực tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam mở đường bay thẳng tới Mỹ và nhìn thấy lợi ích trong quá trình đó.

Ông Ray Conner - cựu Phó Chủ tịch Tập đoàn Boeing - nói: "Điều chúng tôi muốn đạt được là tạo ra mối quan hệ đối tác, không chỉ giữa Boeing với các hãng hàng không của Việt Nam mà còn với cả đất nước Việt Nam. Khi chúng tôi làm như vậy, hy vọng là Boeing có thể tạo ra cơ hội bán và bàn giao được thêm nhiều máy bay, tăng cường sự hiện diện tại đất nước các bạn".

"Những hợp đồng mua bán lớn như mua bán máy bay rất có tác dụng. Điều này cho thấy Việt Nam và Mỹ đều cần nhau. Mỗi bên đều có những lợi thế riêng và khi Việt Nam mua máy bay, chúng tôi có thể mua thêm hàng của Việt Nam như các sản phẩm hải sản chẳng hạn", ông Alexander Feldman - Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN nói.

Không chỉ Boeing, nhiều tập đoàn của Mỹ đều nhìn thấy cơ hội trong phát triển quan hệ thương mại với Việt Nam. Trong cán cân thương mại song phương, Việt Nam giành vị trí thặng dư thương mại, tức xuất vào Mỹ nhiều hơn nhập từ thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ nhận định, các công ty Mỹ vẫn đang thu được nhiều lợi ích từ mối quan hệ này.

Ông Wilbur Ross - Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ - nói: "Tiềm năng cho quan hệ thương mại Mỹ - Việt là rất lớn. Việt Nam là quốc gia đang thay đổi từng ngày, tăng trưởng kinh tế rất nhanh nên đây là một thị trường rất sôi động và đáng quan tâm".

Ông Alexander Feldman cho hay: "Tôi ví dụ, Việt Nam sản xuất rất nhiều giày cho hãng Nike. Nhưng cùng lúc, các nhà thiết kế, các hãng tạo mẫu, các nhà phân phối, hay các công ty thị trường của Mỹ cũng tham gia vào quá trình làm ra những đôi giày giá trị đó, tức xuất khẩu của Việt Nam cũng đang tạo ra công ăn việc làm tại Mỹ".

Nhà máy Boeing dự kiến sẽ tiếp tục nhận thêm đơn đặt hàng của các hãng hàng không Việt Nam. Những sản phẩm của Boeing chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều Việt - Mỹ và góp phần thực hiện cam kết của lãnh đạo hai nước về cân bằng cán cân thương mại. Trong 24 năm qua, kim ngạch thương mại song phương Việt - Mỹ đã tăng hơn 100 lần, đạt con số kỷ lục 60,3 tỷ USD vào năm 2018. Theo ước tính kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ vào khoảng 60 tỷ USD hiện nay sẽ tăng lên 80 tỷ USD vào năm 2020.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước