Với việc các công ty con thuộc ngành bán lẻ - hàng tiêu dùng của Vingroup là VinCommerce và VinEco được sáp nhập vào phía Masan để thành lập nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam, việc doanh nghiệp Việt sẽ tạo ra được một thế trận cạnh tranh tốt hơn so với đối thủ ngoại là một trong những điều được thị trường kỳ vọng. Nhưng làm thế nào để Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ của Masan làm được điều đó, sau khi sáp nhập một phần của Vingroup vẫn đang là "ẩn số" thú vị dưới góc nhìn từ giới chuyên gia.
Thương vụ Masan sáp nhập 2 công ty con VinCommerce và VinEco của Vingroup diễn ra trong bối cảnh VinCommerce đang sở hữu đến 2.600 siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+. Đây là con số khá áp ảo so với các đối thủ cả nội lẫn ngoại. Nay khi được tiếp quản bởi một doanh nghiệp đầu ngành sản xuất các hàng tiêu dùng nhanh như Masan, theo giới phân tích, các nguồn hàng như nước tương, nước mắm, mì gói của Masan khi bán trong hệ thống phân phối VinMar sẽ cắt giảm được một khoản chi phí phát sinh trong quá trình phân phối trung gian như trước đây. Từ đó, có thể giúp giảm giá bán đến tay người dùng, tạo thêm lợi thế cạnh tranh về giá.
Theo công bố chính thức, sau khi tiếp quản, Masan sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce. Do đó sau sáp nhập, việc Masan có tiếp tục theo đuổi kế hoạch mở rộng lên 10.000 điểm bán mà VinCommerce tuyên bố trước đó hay không vẫn sẽ là "ẩn số".
Dù thách thức là có nhưng nhìn chung cú bắt tay giữa 2 ông lớn sản xuất và bán lẻ được nhận định sẽ ảnh hưởng tích cực đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nội trên thị trường bán lẻ, nhất là chỉ sau 5 năm nữa, doanh nghiệp bán lẻ ngoại sẽ không còn phải chịu quy định kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) vốn hạn chế khả năng mở rộng độ phủ của họ, theo cam kết khi Việt Nam ký Hiệp định CPTPP. Đồng nghĩa với việc cạnh tranh nội - ngoại trên thị trường này sẽ sòng phẳng và khốc liệt hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!