Máy bay của hãng hàng không Asiana Airlines. (Nguồn: AirlineGeeks).
Theo các nguồn tin trong ngành ngày 9/8, các chủ nợ của hãng hàng không Asiana Airlines Co. (Hàn Quốc) đang đưa ra một loạt các biện pháp để đối phó về khả năng đổ vỡ của thỏa thuận bán hãng hàng không lớn thứ hai "xứ sở Kim chi" giữa lúc công ty HDC có xu hướng rút khỏi thỏa thuận mua lại hãng hàng không này với giá 2.500 tỷ won.
Trước đó, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), một trong những chủ nợ lớn nhất của Asiana, cảnh báo HDC nên đẩy nhanh tiến độ mua lại Asiana Airlines khi từ chối yêu cầu của công ty này về một vòng thẩm định khác đối với hãng hàng không lớn thứ hai của Hàn Quốc.
Năm 2019, HDC quyết tâm tìm kiếm cơ hội bước chân vào thị trường hàng không Hàn Quốc bằng thương vụ mua lại cổ phần của Asiana Airlines - hãng hàng không lớn thứ hai của nước này.
Cuối tháng 12/2019, Chủ tịch HDC Chung Mong-gyu ký thỏa thuận thâu tóm Asiana Airlines, thông qua việc nắm giữ số cổ phần trị giá 2.500 tỷ won (khoảng 2,2 tỷ USD) của hãng hàng không. Ông Chung hy vọng thỏa thuận sẽ giúp củng cố thương hiệu và danh tiếng của công ty trên toàn cầu, đồng thời tạo ra hiệu ứng cộng hưởng khi DHC tham gia vào các dự án nghỉ dưỡng và kinh doanh miễn thuế.
COVID-19 khiến thương vụ M&A giữa Asiana Airlines và HDC Hyundai Development bị đình trệ. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Mặc dù đã hoàn tất 7 tuần thẩm định về Asiana Airlines, HDC đã yêu cầu thêm 12 tuần thẩm định đối với hãng hàng không đang nợ nần chồng chất này bắt đầu từ giữa tháng Tám này. Lý do là công ty cho rằng họ sẽ bị buộc phải gánh các khoản nợ lớn của Asiana Airlines nếu mua lại mà không xem xét kỹ các điều kiện tài chính hiện nay vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Các chủ nợ Asiana Airlines cho rằng ngày 11/8 là hạn chót để HDC quyết định có tiến tới việc mua lại hãng hàng không lớn thứ hai ở Hàn Quốc hay không khi tất cả các yêu cầu đối với thương vụ đều được đáp ứng.
Asiana Airlines đã ngừng phần lớn các đường bay quốc tế từ tháng 3/2020 do hơn 180 nước và vùng lãnh thổ đóng cửa biên giới hoặc hạn chế người nhập cảnh do đại dịch COVID-19. Trong 6 tháng đầu năm nay Asiana lỗ ròng 432,9 tỷ won so với mức 267,4 tỷ won cùng kỳ năm trước.
Asiana Airlines không phải nạn nhân duy nhất của đại dịch. Hai tuần trước, hãng hàng không có ngân sách lớn nhất Hàn Quốc Jeju Air đã phải chấm dứt hợp đồng mua lại đối thủ Eastar Jet trị giá 54,5 tỷ won (gần 50 triệu USD). Jeju Air cho biết thỏa thuận sụp đổ do các cổ đông lớn của Eastar Jet đã không sửa chữa lại các điều khoản bị vi phạm trước khi hết thời hạn cho phép.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!