Xuất khẩu thủy sản ngay những tháng đầu năm nay đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại thủy sản có thế mạnh.
Sự tăng tốc ngay từ đầu năm đã khiến kỳ vọng về khả năng xuất khẩu thủy sản năm nay mang về trên 9 tỷ USD - con số đã bị lỡ hẹn nhiều năm nay có căn cứ để trở thành hiện thực.
Cụ thể, 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng hơn 47% so với cùng kỳ; đặc biệt, cá tra tăng trên 83%; tôm trên 34%... Ngoài ra, có thể thấy những tín hiệu tích cực từ Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ vừa kết thúc tại thành phố Boston, bang Massasusheet, vùng Đông Bắc nước Mỹ. Đây là hội chợ chuyên ngành về thủy sản, có uy tín trên thế giới, được mở lại sau 2 năm tạm dừng vì COVID-19.
Tại hội chợ năm nay, Việt Nam có 13 doanh nghiệp tham gia, là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, cá ngừ, bạch tuộc và các sản phẩm thủy sản khác.
Xuất khẩu thủy sản ngay những tháng đầu năm nay đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Vào thị trường Mỹ, thủy sản Việt Nam, phải cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ khác, từ Brazil, Canada và một loạt các nước châu Á khác.
Nhiều doanh nghiệp đã có sự kết nối từ trước với các đối tác, để khi đến hội chợ là có thể ký được hợp đồng xuất khẩu ngay.
"Chúng tôi cũng rất là bất ngờ vì sau dịch COVID-19 cũng có rất nhiều khách hàng quan tâm, tìm hiểu sản phẩm của chúng tôi. Năm nay là một trong những năm sản phẩm cá ngừ, nhất là dòng sản phẩm cá ngừ ăn sống, cá ngừ sushi, rất là hot ở thị trường Mỹ", ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Nghi Sơn Food Group, cho biết, "khách hàng tại Mỹ là một trong những thị trường rất lớn, nhu cầu của họ là nhu cầu thực, khi làm việc với họ thì chúng ta có thể chốt ngay hợp đồng, nếu cảm thấy giá hợp lý".
"Chúng tôi luôn đặt mục tiêu sản xuất và đa dạng sản phẩm để cung cấp cho thị trường Mỹ. Với một nhu cầu lớn như thị trường Mỹ và sản lượng lớn như vậy sẽ giúp cho việc tạo công ăn việc làm cho người lao động ở các nhà máy của công ty ở Việt Nam", ông Ngô Hoàn Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú, chia sẻ.
Với các doanh nghiệp Mỹ, việc kết nối trực tiếp sau thời gian dài làm việc qua Zoom, qua tin nhắn hay email đem lại nhiều kết quả ngoài mong đợi và không phải chỉ có bán hàng.
"Rất nhiều việc đã phải làm, cả ở phía Việt Nam và ở đây. Để gặp được nhau ở đây, chốt lại mọi thứ và cùng bắt tay nhau, cùng thông báo với nhau rằng cả hai đã làm việc tốt, đạt được kết quả, có thể cùng nhau mở rộng việc hợp tác trong thời gian tới", ông Kyle Nold, Giám đốc Bán hàng, Công ty Platina Seafood, bang Florida, Mỹ, cho hay.
Sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh, lần trở lại này của các doanh nghiệp Việt Nam được xem là nỗ lực lớn, giúp ngành thủy sản Việt Nam duy trì và phát triển thị phần tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới.
Nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản vào Mỹ
Ngành tôm đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm nay. Trong đó riêng thị trường Mỹ đã chiếm hơn một nửa giá trị kim ngạch xuất khẩu. Sự tăng trưởng tốt ở thị trường này đã giúp Việt Nam duy trì được vị trí thứ 4 trong các nguồn cung cấp tôm cho Mỹ. Đồng thời, kết quả này cũng cho thấy những nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn rất khắt khe của thị trường
Sự tăng tốc ngay từ đầu năm đã khiến kỳ vọng về khả năng xuất khẩu thủy sản năm nay mang về trên 9 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Thị trường Mỹ đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, thúc đẩy việc bán hàng vào đây. Tuy nhiên, để bán hàng vào thị trường này cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nhà chức trách Mỹ đưa ra. Quan trọng nhất là các quy định về an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ để đối tác có thể giám sát chặt chẽ.
"Chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn của FDA. Họ phải biết được nguồn nguyên liệu của sản phẩm từ đâu, từ vùng nuôi nào, con giống từ đâu, sản xuất từ trại giống nào, thức ăn của mình được sản xuất từ nhà máy nào để nuôi tô? Từ con tôm đấy đưa tới nhà máy của mình, rồi mình sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, đó là việc truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra họ cũng đặt vấn đề về an sinh xã hội, làm sao đảm bảo môi trường làm việc thật tốt, an toàn cho cán bộ công nhân viên", ông Ngô Hoàn Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú, cho biết.
"Nhiều công ty ở đây bán cùng một sản phẩm. Nhiều khi chúng ta tự đặt câu hỏi sự khác nhau giữa các sản phẩm là gì? Có khi là như nhau. Vậy thì sự khác biệt là gì? Theo tôi, đó là xây dựng mối quan hệ, để có thể làm việc dài lâu. Không chỉ là bán hàng, mọi người đều bán được hàng, rất dễ, nhưng xây dựng mối quan hệ, để anh tin tôi, tôi tin anh và từ đó chúng ta cùng kinh doanh, cùng nhau phát triển. Chúng ta sẽ vui mừng khi nhìn thấy nhau, thấy sản phẩm của nhau. Và khi ấy, nó không chỉ đơn thuần là kinh doanh, mà là quan hệ giữa chúng ta với nhau", ông Kyle Nold, Giám đốc Bán hàng, Công ty Platina Seafood, bang Florida, Mỹ, chia sẻ.
Hiện các thị trường nhập khẩu thủy sản không chỉ có những đòi hỏi khắt khe về an toàn thực phẩm, chất lượng, mà còn cả truy xuất nguồn gốc, nhãn sinh thái... Với cá tra, hiện đã có 100% diện tích nuôi được cấp mã số nhận diện ao nuôi. Tuy nhiên, ngược lại số vùng nuôi tôm được cấp mã số lại quá thấp.
Do đó, theo Tổng cục Thủy sản, các địa phương cần đẩy nhanh việc cấp mã số vùng nuôi tôm với những cơ sở đủ điều kiện, không chờ đợi đến khi Nghị định số 26 ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản được sửa đổi rồi mới làm một thể. Khi đó, việc cấp mã số sẽ làm không kịp để đáp ứng nhu cầu của người nuôi và doanh nghiệp, kéo theo việc để lỡ cơ hội thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!