Thời của lãi suất thấp
Ngoại trừ những giai đoạn ngắn cần thắt chặt để kiềm chế lạm phát để sau đó lãi suất lại lao dốc, xu thế nới lỏng, dễ dãi này kéo dài suốt nhiều thập kỷ, suốt từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Lãi suất Fed Funds của Mỹ
Ngân hàng trung ương phát hành tiền vô tội vạ
Nhìn biểu đồ phát hành tiền thông qua Tổng tài sản của FED (H6) và so với GDP (H7), dễ dàng nhận thấy: Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 các NHTW phát hành tiền ào ạt gần như không kiểm soát nhưng các dấu hiệu lạm phát lại không thấy đâu (H8).
Bằng cách tăng bảng tổng kết tài sản, FED không cần in thêm tiền M0 để phải xin Quốc hội mà vẫn phát hành tiền thông qua các công cụ tiền tệ - được gọi một cách rất mỹ miều là các chương trình QE – Nới lỏng định lượng. Số liệu cho thấy, tổng tài sản của FED có xu hướng giảm từ 2018 để chặn từ xa lạm phát. Tổng tài sản NHTW Mỹ đã tăng dựng đứng trở lại do COVID-19, gấp 10 lần trong hơn 10 năm và gấp đôi chỉ riêng trong 1 năm 2020!
Tổng tài sản của NHTW Mỹ FED (H6)
Tổng tài sản FED so với GDP (H7)
Các quá trình này bắt đầu từ những năm 80 cho đến tận bây giờ. Nếu trước đó việc bơm tiền khá "dịu dàng" thì sau khủng hoảng tài chính 2008 quá trình này diễn ra "thô bạo" và tăng tốc dựng đứng. Hiện tượng này xảy ra trên toàn cầu, với mọi nền kinh tế, tại mọi quốc gia. Một chứng thực của việc toàn cầu hoá diễn ra thật mau lẹ. Đừng đổ tội cho Trung Quốc mới biết chơi chiến tranh tiền tệ. Trung Quốc chỉ tập quyền hơn và biết chọn thời điểm thôi!
Vòng quay vốn chậm lại
Vòng quay vốn đang có xu hướng chậm lại. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, xu thế vòng quay vốn tăng và đạt đỉnh điểm vào 1997-1998. Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, bắt đầu đà giảm đến tận hôm nay. Đặc biệt sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và Covid-19: Vòng quay vốn M2 rơi tự do thảm khốc. Dù M0 được phát hành ào ạt nhưng M2 vẫn tăng chậm hơn và hệ số M2/M0 giảm khá mạnh (H10). Chỉ bằng cách ấy FED mới cân được thanh khoản hệ thống.
Vòng quay vốn M2 (Velocity of M2) thể hiện mức độ năng động của nền kinh tế
Như vậy với câu hỏi: Đồng tiền dễ dãi có phải là hệ quả khủng hoảng tài chính hay COVID-19 hay còn gì khác? Đây là một "New Normal - Bình thường mới" hay chỉ là hiện tượng ngắn hạn?
Câu trả lời là: Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên tiền tệ dễ dãi với 3 xu thế đặc thù: lãi suất thấp, tiền bơm ào ạt và vòng quay vốn chậm dần. Đây là một xu thế hàng chục năm qua và sẽ tiếp tục kéo dài chứ không chỉ ngắn hạn. Khủng hoảng 2008 và COVID-19 chỉ làm nó diễn ra mạnh mẽ hơn. Tiền dễ dãi đã trở thành một "Bình thường mới".
(Bài viết dựa trên quan điểm của tác giả - người đã có gần 20 năm làm việc trong ngành tài chính tại Việt Nam)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!