Nguyên nhân nào khiến xu hướng tăng tín dụng khả quan như vậy và dòng tiền đang chảy vào những lĩnh vực nào là chủ yếu, liệu mục tiêu 12% tăng trưởng tín dụng trong năm nay có khả thi?.
Lý giải về hiện tượng khả quan này, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ NHNN cho rằng, điều kiện kinh tế dù vẫn còn khó khăn nhưng đã được cải thiện, cùng với đó là lãi suất cho vay liên tiếp được các NHTM hạ xuống đã khiến cho dòng vốn được khơi nguồn.
Tuy nhiên, dù tín dụng có thể đã lấy được đà tăng trưởng, nhưng một vấn đề cần phải được quan tâm đó là dòng tiền trong nền kinh tế đang tìm đến nơi nào để sinh lợi?. Vàng, USD, bất động sản hay chứng khoán, xem ra những kênh đầu tư này đã không còn hấp dẫn, thậm chí còn tiềm ẩn đầy rủi ro. Bởi vậy, những lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, thương mại, nông nghiệp nông thôn lại đang được coi là trọng tâm mà cả người cho vay và đi vay hướng đến.
‘ Ảnh minh họa
“Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã tăng được trên 8,5% tín dụng, tỷ trọng nhiều nhất vẫn là 5 lĩnh vực được ưu tiên: DN nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, sản xuất”, ông Nguyễn Lục Lang, Phó TGĐ Ngân hàng Đầu tư và phát triển BIDV cho biết.
Nhưng khi nhìn về phía trước, cụ thể là con số mục tiêu 12% cho cả hệ thống, nhiều ngân hàng vẫn không khỏi lo lắng, bởi nền kinh tế dù đã được cải thiện nhưng khó khăn vẫn còn. Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, tiền đã sẵn sàng cho vay, nhưng người đi vay lại đang còn “ốm” thì không phải ai cũng dám mạnh tay bơm vốn của mình ra. Tín dụng muốn ăn chắc mặc bền cần phải có sự hỗ trợ của nhiều chính sách khác.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienViet PostBank cho rằng: “Trong bối cảnh này các chính sách khác cũng phải vào cuộc cùng chính sách tiền tệ mới có hiệu quả, như đầu tư công, vì đầu tư công sẽ kéo theo nhiều ngành nghề, dịch vụ và cả sản xuất khác nữa phát triển theo. Có như vậy mới có cơ hội để tín dụng tăng trưởng và hồi phục”.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng hệ thống ngân hàng phải đạt được mức tăng trưởng tín dụng trên 1,3%. Nhưng cũng có quan điểm ngược chiều cần được xem xét, đó là trong bối cảnh lãi suất thấp và thanh khoản hệ thống được cải thiện rõ rệt, thì vấn đề là nền kinh tế mỗi tháng có hấp thụ được số vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng 1,3% hay không. Nếu được, thì con số 12% cho cả năm sẽ không còn là sự ám ảnh trong tương lai.