Pháp đã tiên phong trong việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ kiếm được lợi nhuận trên thị trường Pháp kể cả khi không có trụ sở ở đây. Những cái tên quen thuộc là Facebook, Google, Amazon, Apple - các công ty con cưng của Mỹ.
Trong biên bản cuộc họp hội đồng châu Âu vào tháng 11/2017, có một ý kiến rằng: "Nếu chỉ được phép đánh thuế khi một doanh nghiệp có trụ sở hiện diện tại quốc gia sở tại thì sẽ không còn phù hợp với thời đại kinh tế số nữa. Vì kể cả khi không xuất hiện ở nước sở tại, các tập đoàn công nghệ vẫn tạo ra những giá trị khổng lồ, đặc biệt là về lợi nhuận mà lẽ ra phải đánh thuế".
Chính vì lẽ đó mà các quốc gia EU đau đầu nghĩ phương thức đánh thuế những tập đoàn kiếm được người sử dụng dịch vụ và qua đó thu lợi nhuận ngay cả khi không cần có mặt ở đất nước đó.
Hiện tại, các công ty truyền thống tại EU đóng 23% thuế trên lợi nhuận. Còn các công ty Internet đóng 8%-9% thuế trên lợi nhuận. Chính vì thế, ví như trang thương mại điện tử Amazon thu về 21,6 tỷ EUR trên thị trường châu Âu năm 2016 nhưng chỉ đóng thuế có 16,5 triệu EUR.
Đó là chưa kể tới sự tồn tại của các thiên đường thuế châu Âu như Hà Lan hay Ireland. Các công ty đa quốc gia đồng ý để lại một phần thu nhập ở lại chi nhánh ở Hà Lan và phần thu nhập đó sẽ phải chịu thuế. Tuy nhiên, đổi lại, họ được phép chuyển lợi nhuận ra nước khác mà không phải đóng thuế.
Yahoo năm 2009 đã nộp khoản thuế 1,2 triệu EUR cho chính phủ Hà Lan. Đổi lại, chi nhánh Yahoo Hà Lan đã được chuyển 101 triệu EUR lợi nhuận tới một thiên đường thuế thứ 3 với mức thuế suất bằng 0 như Bermuda và Cayman.
Lợi nhuận khổng lồ nhưng dựa vào việc không có trụ sở ở nước sở tại, lại thêm sự giúp sức của những thiên đường thuế, không ngạc nhiên khi các tập đoàn công nghệ đa quốc gia khiến nhiều nước EU khác "nóng mắt". Nếu có thể nắm được đằng chuôi, Hội đồng EU ước tính có thể thu về thêm 5 tỷ EUR tiền thuế mỗi năm, chỉ có điều là đánh thuế thế nào và dựa vào tiêu chuẩn gì để đánh thuế?
Kể cả khi không hiện diện ở nước sở tại, các tập đoàn công nghệ vẫn có thể bị đánh thuế dựa trên 3 cơ sở sau:
- Có doanh thu vượt 7 triệu EUR/năm nhờ vào cung cấp dịch vụ trực tuyến tại thị trường nước sở tại.
- Có hơn 10 triệu người ở nước đó sử dụng dịch vụ trực tuyến.
- Ký kết được 3.000 hợp đồng trong lĩnh vực trực tuyến với các công ty bản địa trong 1 năm.
Và cũng không thể quá chung chung trong việc phân loại ra các dịch vụ số gồm:
- Các dịch vụ buôn bán hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử mà hàng sẽ được chuyển tới tay người tiêu dùng EU từ một nước thứ 3. Những dịch vụ này chủ yếu đến từ các trang thương mại điện tử như Amazon.
- Những dịch vụ sử dụng trực tuyến như quảng cáo, xem phim, nghe nhạc… được cung cấp bởi Facebook hay Google.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!