Giải ngân đầu tư công quý I năm nay tại "đầu tàu kinh tế" TP. Hồ Chí Minh đã có những cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Nhất là về số giá trị tuyệt đối giải ngân đạt hơn 5.400 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với năm 2023. Đóng góp đáng kể vào kết quả này là các giải pháp cải cách thể chế từ chính quyền TP. Hồ Chí Minh, theo hướng tăng tính chủ động thực hiện dự án cho chủ đầu tư, đồng thời giảm thủ tục hành chính.
Nhà chị Nguyễn Thị Nguyệt – TP. Hồ Chí minh có hơn phân nửa diện tích đất thuộc diện quy hoạch để thực hiện dự án mở rộng đường Tên Lửa tại TP. Hồ Chí Minh. Chị đồng thuận giao mặt bằng vì được chính quyền giải thích rõ những lợi ích của dự án, cũng như được địa phương nhanh chóng thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng nhà mới, sớm ổn định cuộc sống.
Chị Nguyệt cho biết: "Lúc trước, nhà tôi ở trong hẻm cụt, hẻm nhỏ. Khi làm xong đường, nhà tôi được ra mặt tiền. Thuận lợi là chúng tôi được buôn bán làm ăn. Giải tỏa cũng nhanh, chúng tôi rất phấn khởi".
TP. Hồ Chí Minh giải ngân được 7% kế hoạch vốn đầu tư công giao trong quý I
Dự án mở rộng đường Lâm Hoành thuộc quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh đã hoàn tất toàn bộ phần vốn chi cho bồi thường giải phóng mặt bằng lên đến 200 tỷ đồng trong quý I. Nhờ việc chính quyền thành phố ủy quyền cho cấp quận, huyện được thẩm định và phê duyệt giá bồi thường.
Chính quyền quận Bình Tân cho biết, từ đầu năm nay cấp quận, huyện được TP. Hồ Chí Minh ủy quyền phê duyệt giá bồi thường. Quy trình này được rút ngắn hơn gấp 3 lần, chỉ còn 1-2 tháng thay vì phải mất 6 tháng như quy trình cũ.
Từ năm 2023, thành phố cũng ủy quyền cho quận huyện được quyết định đầu tư các dự án nhóm C. Các giải pháp này đã giúp tăng tính chủ động cho địa phương, đẩy nhanh giải quyết vấn đề pháp lý của dự án.
Ông Vũ Chí Kiên - Phó Chủ tịch UBND Quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Chúng tôi có thể tập trung lực lượng nhân sự để thực hiện dự án được nhanh hơn, thay vì gom về đầu mối ở thành phố. Thứ hai về mặt pháp lý, chúng tôi cũng hiểu rõ đặc thù, tính chất dự án trên địa bàn của mình, và có thể triển khai với tốc độ nhanh hơn".
TP. Hồ Chí Minh giải ngân được 7% kế hoạch vốn đầu tư công giao trong quý I. Để đạt mục tiêu cả năm ít nhất 95%, ước tính đầu tàu kinh tế cần giải ngân hơn 7.700 tỷ đồng mỗi tháng trong 3 quý còn lại của năm.
Xác định nhiệm vụ rất thách thức, lãnh đạo thành phố yêu cầu thực hiện sát sao hơn nữa các nhóm giải pháp. Trong đó, tiếp tục thực hiện quy định giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết các thủ tục dự án đầu tư công.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Giảm tối đa các văn bản qua lại và các sở ngành khi có những vướng mắc khó khăn sẽ tổ chức họp để tìm ra giải pháp, giúp đỡ các đơn vị chủ quản, chủ đầu tư thực hiện ngay những khó khăn vướng mắc".
Hiện tại, 4 ban quản lý dự án lớn, nắm hơn 60% vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh đang giải ngân chưa đạt tiến độ yêu cầu. Lãnh đạo thành phố yêu cầu đối với những phần xác định không thể giải ngân được thì cần nhanh chóng đề xuất điều chỉnh vốn, tránh ảnh hưởng đến mục tiêu cả năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!