Xuất khẩu thanh long của Việt Nam sụt giảm
Những ngày qua, thông tin về việc Trung Quốc - thị trường tiêu thụ phần lớn sản lượng thanh long, sầu riêng của Việt Nam đang tiến tới tự chủ nguồn cung trái cây đã trở thành mối quan tâm lớn của các vùng trồng và doanh nghiệp xuất khẩu các loại trái cây này.
Vài năm trở lại đây, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc đã tăng "thần tốc" và cuối tháng 2 vừa qua nước này công bố đã chạm mốc 67.000 ha và sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn, giúp Trung Quốc vượt qua Việt Nam trở thành quốc gia có diện tích, sản lượng thanh long lớn nhất thế giới.
Năm 2021 và 2022, thanh long đã rớt khỏi top những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Ảnh minh họa.
Thực tế trên đã phần nào tác động đến kim ngạch xuất khẩu thanh long những năm gần đây khi giảm 3 năm liên tiếp kể từ 2019. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thanh long chỉ đạt 663 triệu USD, giảm 37% so với năm trước đó và giảm một nửa so với năm đỉnh cao xuất khẩu mặt hàng này là năm 2019 do Trung Quốc siết chặt hoạt động kiểm dịch trên hàng hóa nhập khẩu.
Cũng trong năm 2021 và 2022, thanh long đã rớt khỏi top những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.
Trái cây Việt Nam trước thách thức cạnh tranh
Không riêng thanh long, giờ hầu hết các loại trái cây nhiệt đới đều trồng được tại Trung Quốc, kể cả sầu riêng - loại trái cây mà Việt Nam vừa được ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này hồi tháng 9/2022. Điều này đặt nhiều loại trái cây Việt Nam đứng trước thách thức cạnh tranh tại thị trường tiêu thụ trái cây nhiệt đới mạnh nhất thế giới này.
Trung Quốc đã trồng thử nghiệm thành công sầu riêng tại các tỉnh phía Nam với diện tích 2.000 ha. Sản phẩm dự kiến bán ra thị trường vào năm sau với khoảng 45.000 - 75.000 tấn. Song song với đó, Trung Quốc cũng sẽ trồng chục nghìn ha sầu riêng tại Lào.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế về vận chuyển đường bộ hơn cả. Nhưng mọi chuyện sẽ thay đổi khi sầu riêng Trung Quốc trồng tại Lào đạt sản lượng ổn định và được vận chuyển bằng tàu cao tốc.
Sầu riêng Việt Nam hiện cùng lúc phải giải các bài toán về chất lượng, công nghệ, thương hiệu, thị trường… để nâng cao lợi thế cạnh tranh. Ảnh minh họa.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bagico cho biết: "Chúng ta có điểm yếu cạnh tranh logistics là đường tàu của Trung Quốc - Lào - Thái Lan sẽ giúp cho hàng hóa đi sang đấy rất nhanh. Thứ hai, quy hoạch vùng và kỹ thuật làm vườn chuyên canh hay là kỹ thuật canh tác để đảm bảo độ đồng đều của sản phẩm của chúng ta đang rất yếu".
"Cho tới bây giờ chúng ta vẫn chưa làm chủ được kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng. Thứ hai, vấn đề chế biến, bảo quản vẫn chưa đủ hạ tầng. Thứ ba là vấn đề rủi ro về thị trường. Hiện tại thị trường chủ yếu phụ thuộc Trung Quốc, vì vậy nếu chúng ta phát triển ồ ạt sẽ có rất nhiều vấn đề", ông Phan Việt Hà - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông, Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết.
Có tới 80 - 90% sản lượng sầu riêng nước ta là xuất khẩu vào Trung Quốc. Trong khi đó, diện tích được cấp mã số vùng trồng để đi chính ngạch lại chưa đến 5%. Thời hạn của Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch chỉ còn 2 năm. Sầu riêng Việt Nam hiện cùng lúc phải giải các bài toán về chất lượng, công nghệ, thương hiệu, thị trường… để nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Thay đổi để tăng tính cạnh tranh
Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, trước mắt việc Trung Quốc phát triển nóng diện tích cây ăn quả sẽ chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu thanh long, sầu riêng của nước ta ngay lập tức. Do vậy, hiện là thời điểm để nông dân và doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc phát huy lợi thế của mình để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Ông Lê Anh Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BIV Việt Nam cho biết: "Chuyển đổi số cho vùng nguyên liệu để đáp ứng truy xuất nguồn gốc cho các công ty xuất khẩu đấy là điều hết sức cần thiết. Đặc biệt là những hợp tác xã nhỏ, hợp tác xã thành viên của Hiệp hội chúng tôi sẽ miễn phí toàn bộ".
"Những vùng đã đáp ứng được yêu cầu cơ sở hạn tầng về chế biến bảo quản có thể phát triển những vùng này thành những vùng trọng điểm. Còn những vùng không quá phù hợp cho cây sầu riêng có thể phát triển theo hướng trồng xen để có thể có thêm thu nhập mà vẫn tránh được rủi ro", ông Phan Việt Hà - Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên khuyến cáo.
Ông Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn cho biết: "Chúng ta phải tập trung vào xây dựng các vùng chuyên canh thật hoàn chỉnh, trong toàn bộ chuỗi giá trị, để xây dựng được các thương hiệu, an toàn thực phẩm, cảnh quan, trách nhiệm, biến đổi khí hậu. Như vậỵ, chúng ta sẽ tạo ra được giá trị gia tăng đặc biệt của Việt Nam".
Việc thanh long chính vụ của Việt Nam trùng với vụ thu hoạch Trung Quốc đã làm cho giá bán mặt hàng này rớt xuống chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, thấp hơn cả giá thành khiến nông dân thua lỗ. Do vậy, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường là điều cẩn làm sớm để trái cây Việt Nam đi được đường dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!