Trong bối cảnh chiến tranh thương mại chưa có hồi kết cùng những diễn biến địa chính trị phức tạp khác, ngay cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng không chịu được những cú sốc từ bên ngoài. Nguy cơ suy thoái kinh tế đã rõ ràng hơn khi một số quốc gia đối mặt với vấn đề mới xuất hiện.
Trong đó, sản lượng kinh tế trong quý II của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, thấp hơn so với dự kiến. Cùng thời điểm, Đức - nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, đã ghi nhận tình trạng tăng trưởng âm. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, số liệu GDP quý II đánh dấu sự kết thúc của "một thập kỷ vàng" của nền kinh tế Đức. Đức chỉ là một trong nhiều quốc gia "gia nhập" nhóm các nước đang trong tình cảnh kinh tế trì trệ. Anh, Argentina, Nhật bản và Hàn Quốc đều đang lo ngại về suy thoái kinh tế.
Sự suy thoái trong thương mại toàn cầu do cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc với màn trả đũa thuế quan theo kiểu "ăn miếng trả miếng" lên đến hàng trăm tỷ USD hàng hóa xuất khẩu gây tổn hại tới nông dân, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và những đối tượng khác. Các nhà kinh tế nhận định rằng, xu hướng các quốc gia đứng trên bờ vực suy thoái có thể sẽ tiếp tục nếu căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn không được giải quyết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!