Triển vọng kinh tế châu Âu 2014

Hồng Quang-Thứ ba, ngày 04/02/2014 11:14 GMT+7

Tại châu Âu, kinh tế đã có những dấu hiệu khả quan, nhưng tăng trưởng và việc làm vẫn là những vấn đề của năm 2014 này.

Năm 2014 này, một thế hệ lãnh đạo chính trị châu Âu sẽ rút lui. Hai nhân vật ở cấp cao nhất là Chủ tịch Hội đồng và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, sẽ về nghỉ hưu khi kết thúc nhiệm kỳ. Thay vào đó là các nhân vật mới, sẽ được biết đến sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào cuối tháng 5. Nhân sự ở cấp Cao uỷ (cấp Bộ trưởng của Uỷ ban châu Âu) cũng sẽ có xáo trộn lớn.

Ông Quentin Dickinson, nhà báo người Pháp cho rằng: “Về mặt chính trị thì đây sẽ là một năm thú vị với những người quan sát từ bên ngoài, nhưng cũng là một năm rủi ro với chính trị châu Âu. Chắc chắn sẽ có một giai đoạn không bình thường, khi người cũ bận đóng đồ xách vali về nước còn người mới đến thì chưa quen việc. Giai đoạn đó sẽ đầy rủi ro với châu Âu cả trên bình diện chính trị lẫn ngoại giao”.

Nhân sự cấp cao thay đổi, trong khi các nước châu Âu vẫn đang tiếp tục phải đối phó cùng lúc với nhiều vấn đề kinh tế xã hội, dù cho đã có một số dấu hiệu khả quan.

Chuyên gia tài chính người Bỉ, ông Bruno Colmant nhận định: “Tôi thấy triển vọng tốt hơn so với 2 năm vừa rồi. Nhưng châu Âu chưa ra khỏi khủng hoảng được. Thứ nhất, nợ công vẫn còn ở mức rất cao, nợ công trong khối các nước sử dụng đồng Euro lên tới gần 96% tổng thu nhập quốc nội. Mâu thuẫn lớn nhất là nền kinh tế đang ngập trong nợ, trong khi đồng tiền lại có giá trị quá cao”.

6 năm khủng hoảng kinh tế cũng để lại cho châu Âu nhiều vấn đề xã hội. Bài toán thất nghiệp chưa có lời giải đáp thoả đáng, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng tăng lên. Kinh tế nay bắt đầu phục hồi, nhưng người lao động chưa thể cảm nhận ngay được.

Ông Gabriel Richard-Molard, Chính trị gia người Đức cho biết: “2013 đã là một năm tồi tệ với kinh tế châu Âu. Chúng tôi mong năm 2014 kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn. Nhưng kinh tế tốt hơn, không có nghĩa là bất bình đẳng sẽ giảm đi, nếu nhìn ở cấp độ toàn Liên minh châu Âu”.

Năm nay các nước châu Âu bắt đầu năm mới với tâm trạng lạc quan hơn trước. Giới doanh nghiệp tin vào triển vọng kinh tế, có thể tăng đầu tư; người tiêu dùng bớt lo lắng có thể chi tiêu nhiều hơn. Vẫn còn đó vô số vấn đề xã hội phải giải quyết, nhưng triển vọng chấm dứt suy thoái, phục hồi tăng trưởng, làm cho không khí đầu năm có vẻ nhẹ nhõm hơn nhiều so với tầm này năm ngoái.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước