Trung Quốc, Hoa Kỳ: Tia hy vọng cho xuất khẩu tôm cuối năm

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 14/08/2023 15:00 GMT+7

VTV.vn - Dự báo xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hoa Kỳ được đánh giá là tia hy vọng cho những tháng cuối năm 2023.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm sút từ tháng 8/2022 đến nay đã tròn 1 năm. Các thị trường chính đều giảm từ 25 - 50%.

Cụ thể, Hoa Kỳ giảm 44%, EU giảm 49%, Trung Quốc giảm 25%. Tuy nhiên, dự báo xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hoa Kỳ được đánh giá là tia hy vọng cho những tháng cuối năm 2023

Đặc biệt, thị trường Hoa Kỳ, dự báo nhu cầu tiêu thụ sẽ thay đổi khi thu hoạch tôm từ các nước giảm, các nhà nhập khẩu bắt đầu tăng nhẹ sức mua từ Việt Nam để chuẩn bị cho dịp lễ hội cuối năm.

Thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc thử nghiệm những tháng vừa qua cho thấy thị trường này đang cần thêm thời gian để điều chỉnh lại thói quen tiêu dùng.

Trung Quốc, Hoa Kỳ: Tia hy vọng cho xuất khẩu tôm cuối năm - Ảnh 1.

Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm

Cũng theo VASEP, trong bối cảnh khó khăn như năm nay, xuất khẩu tôm đạt mức 3 tỷ USD đã là thành công.

Tại khu vực Nam Trung Bộ, tôm hùm là loại thủy sản đem lại nguồn thu trung bình từ 1.500 đến hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm.

Mặc dù đem lại giá trị xuất khẩu lớn, nhưng đến thời điểm này, tôm hùm vẫn chỉ xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch và chưa có cơ sở chế biến.

Giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm bền vững đang được đặt ra, để đón cơ hội thị trường xuất khẩu có xu hướng mở rộng.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Nhu cầu xuất khẩu tăng cao nên tôm hùm được giá, lên mức 2,2 triệu đồng/ký. Tuy nhiên, mức giá này lại luôn bấp bênh, bởi sản lượng tôm hùm hàng năm cũng không ổn định.

Hiện nay, tôm hùm hiện chỉ xuất khẩu tươi bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc từ 75 - 90%, phần còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa. Tôm hùm chưa được chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng, nên không khai thác được tối đa giá trị sản phẩm.

"Chúng ta phải có quy trình xuyên suốt từ khâu con giống, thức ăn, chăm sóc quản lý, phòng trừ dịch bệnh và cuối cùng là phải truy xuất được nguồn gốc để tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng", Tiến sĩ Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III, nhận định.

Ngành thủy sản đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ không tăng nóng diện tích nuôi tôm hùm, duy trì sản lượng 3.000 tấn/năm, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu phải đạt 200 triệu USD/năm, tức tăng gần gấp đôi so với hiện tại. Vì vậy, triển khai hiệu quả những giải pháp phát triển chuỗi tôm hùm bền vững là điểm mấu chốt để thực hiện được mục tiêu này.

Nhìn tổng thể trong chuỗi giá trị của con tôm, Việt Nam đang làm tốt ở khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, hệ sinh thái con giống, nguyên liệu của ngành tôm chưa được chú trọng và giá thành tôm của Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với thế giới là những thách thức cần phải được nhận diện để có cơ hội phục hồi ngay từ tháng 8.

Đơn hàng tăng trở lại, xuất khẩu tôm có thể đạt trên 3 tỷ USD Đơn hàng tăng trở lại, xuất khẩu tôm có thể đạt trên 3 tỷ USD

VTV.vn - Sau thời gian đối diện với tình hình ảm đạm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đang dần hồi phục với lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu tăng trở lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước