Paris, London, New York… những thiên đường của hàng xa xỉ giờ đây không còn là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách Trung Quốc. Theo McKinsey, mặc dù vẫn sẵn sàng chi tiền cho các món hàng hiệu nhưng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng mua hàng xa xỉ trực tuyến hay ở ngay trong nước. Do đó, việc các công ty hàng xa xỉ điều chỉnh chiến lược kinh doanh, mang sản phẩm đến Trung Quốc nhiều hơn là điều bắt buộc nếu muốn duy trì khả năng cạnh tranh.
Tiffany là một trong những cái tên đi đầu trong xu hướng đó khi cho biết, sẽ chuyển những mặt hàng trang sức đắt giá nhất của hãng tới Trung Quốc, để tiếp cận các khách hàng giàu có. Công ty cũng lên kế hoạch mở rộng mạng lưới kinh doanh hiện đã có tới 45 cửa hàng tại Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, việc mua lại Tiffany sẽ giúp tập đoàn LVMH - chủ sở hữu của các thương hiệu thời trang đình đám như Fendi, Christian Dior và Givenchy... - đạt được những lợi ích cả trong ngắn và dài hạn. Mạng lưới cửa hàng sẵn có và danh tiếng đã được khẳng định của Tiffany sẽ giúp LVMH tiếp cận thị trường tỷ dân thuận lợi hơn, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Việc mua lại các công ty có tiềm năng ăn nên làm ra tại Trung Quốc cũng là mục tiêu mà nhiều đối thủ của LVMH đang hướng tới. Richemont, nhãn hàng xa xỉ được thành lập bởi tỷ phú Nam Phi Johann Rupert, gần đây đã thâu tóm thành công công ty trang sức Buccellati từ tập đoàn đầu tư Gantai của Trung Quốc. Với việc tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường tỷ dân, xu hướng cạnh tranh này sẽ còn rất quyết liệt trong thời gian tới.
Các số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2018, người dân Trung Quốc đã bỏ ra 150 tỷ USD, để mua các loại sản phẩm xa xỉ, đóng góp tới 1/3 tổng chi tiêu của thị trường toàn cầu, biến Trung Quốc trở thành miếng bánh thị trường vô cùng hấp dẫn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!