Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển từ đầu tư sang tiêu thụ làm chủ đạo. Việc chuyển mình từ công xưởng của thế giới thành một nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu, đòi hỏi phải có một lượng lớn các lao động tay nghề cao. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài trầm trọng.
Theo ước tính của McKinsey, vào năm 2020, Trung Quốc sẽ thiếu hụt khoảng 24 triệu lao động có tay nghề cao và nếu không thể thu hẹp được khoảng cách này, nền kinh tế số 2 thế giới có thể sẽ bị thiệt hại hơn 250 tỷ USD. Do đó, chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc trong những năm gần đây đã không ngừng đẩy mạnh việc thu hút nhân tài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Một trong những mục tiêu đầu tiên mà Trung Quốc hướng tới để nhập khẩu chất xám, không đâu khác chính là thung lũng Silicon – kinh đô công nghệ toàn cầu.
Trong khi vẫn đang cố gắng cạnh tranh với các doanh nghiệp phương Tây trong việc thu hút các nhân tài hàng đầu, giới chức Trung Quốc cũng không bỏ quên một nguồn nhân lực quan trọng và dễ tiếp cận hơn: Những du học sinh Trung Quốc đang học tập tại nước ngoài. Trong quá khứ, Trung Quốc thường xuyên phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám, khi các du học sinh luôn cố tìm cách ở lại quốc gia sở tại thay vì về nước làm việc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng đó đang dần đảo ngược.
Không chỉ tập trung vào giới trẻ, giới chức Trung Quốc còn đặc biệt chú ý tới việc thu hút những chuyên gia, nhà khoa học có tên tuổi là người Trung Quốc, hiện đang làm việc tại nước ngoài trở về quê hương. Đáng kể nhất phải kể đến dự án với tên gọi "Chương trình hàng nghìn người tài" được triển khai từ năm 2008 với sự phối hợp giữa những cơ quan hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc.
Chương trình này đã đạt được những kết quả tích cực, đáng chú ý nhất là việc hồi đầu năm nay hai nhà khoa học Dương Chấn Ninh và Andrew Yao – những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực vật lý và khoa học máy tính đã từ bỏ quốc tịch Mỹ và trở thành công dân Trung Quốc. Đây hứa hẹn sẽ trở thành một xu hướng trong tương lai của nhiều chuyên gia, trí thức người Trung Quốc.
Không chỉ trông chờ vào những nhân tài được đào tạo ở nước ngoài, trong những năm qua Trung Quốc cũng đang nỗ lực cải thiện nguồn nhân lực trong nước, thông qua việc nâng cao chất lượng của ngành giáo dục. Theo các khảo sát mới nhất, có tới 7 trường đại học danh tiếng của Trung Quốc nằm trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Điều này đã góp phần giúp Trung Quốc đào tạo được một lực lượng lao động tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Và các doanh nghiệp Trung Quốc đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ đã sẵn sàng tung ra những ưu đãi hấp dẫn để sở hữu được nguồn nhân lực nội địa này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!