Tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 29/01/2019 09:57 GMT+7

VTV.vn - Đầu năm nay, Chính phủ đặt ra mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng xuống dưới 2%.

Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi, bởi ngay theo báo cáo mới nhất của NHNN, con số này vốn đã đạt được vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, tại một hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành mới đây, nhiều lãnh đạo ngân hàng bày tỏ, Nghị quyết 42 là bước tiến quan trọng trong xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc tạo cơ chế cho các tổ chức tín dụng xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu vẫn cần nhiều hơn thế.

Thời báo Kinh Doanh dẫn lại ví dụ của ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông, cho rằng vẫn còn vướng về chính sách. Đơn cử như đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo là đất nông nghiệp. Theo quy định, đất nông nghiệp không được sang tên cho ngân hàng. Cụ thể, nếu sang tên, ngân hàng này có thể bán và thu hồi hơn 230 tỷ đồng, đủ bù cả phí và lãi khoản nợ. Nhưng vì không sang tên được, nên bị ép giá dữ dội, chỉ thu hồi được 100 tỷ đồng, tức là đành phải chịu lỗ lớn.

Một ví dụ khác từ lãnh đạo Vietcombank chi nhánh TP.HCM. Nhiều khách hàng còn cố tình "ngáng đường" xử lý nợ xấu. Điển hình là một vụ việc đã có bản án từ 2014 nhưng đến nay vẫn chưa thể thi hành do người vay là 2 vợ chồng dựng lên hàng loạt vụ tranh chấp, vợ kiện chồng, rồi chồng kiện vợ. Mà khi có tranh chấp thì theo quy định, phải giải quyết tranh chấp trước. Thế nên, với ngân hàng này, dù khoản nợ chỉ có 1,6 tỷ đồng nhưng lay lắt mãi không thu hồi được.

Rồi bài toán đau đầu với các ngân hàng trong năm nay đó là phải tăng vốn thêm gấp 2 - 3 lần để đáp ứng lộ trình Basel 2. Bởi theo chuyên gia, xử lý nợ xấu chậm cũng làm chậm lại quá trình tăng vốn của ngân hàng. Ts. Lê Xuân Nghĩa ví von, dù đã xóa được 3 - 4 tỷ USD nợ xấu, nhưng lại có nợ xấu mới. Nghị quyết 42 ra đời, nợ xấu cũ được đưa lên "hồi sức cấp cứu". Thế nhưng, quá trình vẫn vướng cơ chế, nên lại đưa về "phòng điều trị", rồi lại đành nằm chờ để tháo gỡ cơ chế tiếp.

Thế nhưng, theo đuổi chuẩn mực Basel 2 lại cũng chính là một đòi hỏi cần có ngay lúc này. Bởi xử lý nợ xấu là quá trình tất yếu của ngân hàng khi còn hoạt động cho vay, do đó, không gì khác hơn là nâng cao chuẩn mực quản trị rủi ro của chính các ngân hàng để có kế hoạch dài hạn, tránh khoảng trống quá lớn đối với dòng tiền luân chuyển trong ngân hàng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước