Những lãnh đạo giỏi lần lượt ra đi, dù với bất kỳ lý do gì cũng là một tổn thất đáng kể với Uber trong giai đoạn nhìn đâu cũng thấy khủng hoảng này.
Thành lập từ năm 2009, giá trị vốn hóa của Uber hiện khoảng 70 tỷ USD. Mặc dù là một đế chế lừng lẫy như vậy nhưng ban điều hành của Uber lại đang thiếu nhân sự chủ chốt - một công ty không Giám đốc Tác nghiệp, Giám đốc Tài chính, Giám đốc Marketing và cũng không có người phụ trách kinh doanh.
Mới đây nhất, cựu CEO Travis Kalanick đã chỉ định 2 nhân sự cao cấp vào ban điều hành mà không thông qua CEO mới vừa nhận chức Dara Khosrowshahi buộc ông này phải viết một email gửi tới toàn thể nhân viên, bày tỏ sự thất vọng và quyết tâm sẽ cải tổ lại cách thức vận hành của doanh nghiệp này.
Ban bệ thường xuyên bất ổn là một trong những nguyên nhân khiến cách xử lý khủng hoảng truyền thông của Uber gặp rất nhiều hạn chế.
Trong khi đó, các đối thủ của Uber tại các thị trường lớn nhanh chóng chớp lấy thời cơ để trỗi dậy, giành lấy thị phần.
Lyft (Mỹ), Go-Jek và Grab (Đông Nam Á) hay Ola (Ấn Độ) - những công ty đối thủ này đã dựa vào sự ổn định của mình gọi về các khoản đầu tư khổng lồ và tăng tốc. Một số khác mua lại thị phần của Uber như Didi Chuxing (Trung Quốc) và và Yandex (Nga).
Uber mong muốn tạo ra cuộc cách mạng về cách thức di chuyển trên thế giới. Nhưng để làm được điều đó, việc cần nhất lúc này có lẽ nên là một cuộc cải tổ trong chính nội bộ công ty.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!