Italy đang tính từ bỏ chính sách kinh tế khắc khổ mà Liên minh châu Âu áp đặt nhiều năm qua nhằm đưa nước này thoát khỏi khủng hoảng nợ công, chuyển sang vay nợ tiếp để tăng đầu tư công, những mong từ đó kéo tăng trưởng kinh tế đi lên.
Ngày 23/5, Ủy ban châu Âu cũng đã cảnh báo thay đổi chính sách giữa chừng sẽ kéo theo rủi ro, không chỉ cho nền kinh tế Italy.
Ủy ban châu Âu kêu gọi Italy tiếp tục áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, tiếp tục cắt giảm đầu tư công để có thể trả được món nợ khổng lồ 2.300 tỷ EUR.
Ông Pierre Moscovici, Cao ủy châu Âu về Kinh tế cho rằng: "Nợ công của Italy là một vấn đề quan trọng đối với tương lai Italy, với người dân nước này nên đòi hỏi phải có một giải pháp đáng tin cậy. Chúng tôi yêu mến đất nước và con người Italy, chúng tôi phải luôn quan tâm đến chuyện đó".
Nợ công của Italy đứng thứ hai trong khối các nước sử dụng đồng EUR, chỉ sau Hy Lạp. 2.300 tỷ EUR, tương đương 130% tổng sản phẩm nội địa hàng năm của Italy. Nếu Italy thực sự từ bỏ chính sách khắc khổ, vay nợ thêm nữa để đầu tư, ước tính thâm hụt ngân sách công có thể lên tới 5, thậm chí 6% tổng sản phẩm nội địa, thâm hụt cao gấp đôi mức cho phép của Ủy ban châu Âu.
Theo ông Pierre Moscovici, trong trường hợp của Italy, phân tích của Ủy ban châu Âu cho thấy trần nợ phải được giữ nguyên, nhất là khi Italy vừa được đánh giá đang theo được kế hoạch trả nợ của năm 2017.
Nền kinh tế của Italy lớn gấp 8 lần kinh tế Hy Lạp. Nếu chương trình vay tiền để thúc đẩy kinh tế của Italy thất bại, các nước châu Âu cũng khó để giải cứu. Trong khi đó, thị trường tài chính châu Âu rất lo ngại khi biết tin Italy còn định vay nợ thêm đã đẩy lãi suất cho vay lên mức khá cao trong mấy ngày qua.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!