Thông thường, quả vải Việt Nam sang EU được bán trong các siêu thị tiện lợi châu Á, dành cho khách hàng chủ yếu là người gốc Á. Việc thử nghiệm này sẽ đánh giá, rút ngắn thời gian trước khi quả vải lên được kệ siêu thị châu Âu.
Một tấn vải thiều Lục Ngạn đã được Tập đoàn Mekong châu Âu (MCE) nhập khẩu vào Hà Lan, với mục tiêu chào hàng cho các siêu thị Hà Lan. Ý đồ về dài hạn là đưa quả vải thiều Việt nam vào bán trong các chuỗi siêu thị thực phẩm châu Âu.
"Năm nay em làm là để năm sau mình được vào siêu thị và mình phải tính toán trước làm sao để làm được theo điều kiện của họ. Nếu năm nay mình làm luôn, thì thứ nhất là mình không có đủ nguyên liệu, không đủ vải để cấp; thứ hai là mình chưa kiểm tra được. Kiểm tra để cho thấy sự an toàn", Giám đốc Tập đoàn Mekong châu Âu (MCE) Nguyễn Thành Tấn chia sẻ
Thử nghiệm đã diễn ra trong điều kiện thực. Xuống khỏi máy bay, lô hàng thí điểm được thông quan và kiểm dịch toàn bộ trong khu vực sân bay quốc tế Amsterdam trước khi chuyển tới siêu thị. Hai chuỗi siêu thị Hà Lan là Jumbo và Plus tham gia thử nghiệm.
Một điểm thu mua vải thiều ở Bắc Giang. (Ảnh: NLĐ)
"Chúng tôi phải theo dõi nhiều yếu tố mỗi khi bán thử một sản phẩm mới. Quả vải giữ được độ tươi trong bao nhiêu lâu? Nếu được 1 một tuần trên kệ thì rất tốt. Chúng tôi cũng quan tâm đến hành vi của khách hàng đối với sản phẩm. Tôi thấy quả vải được đóng trong túi lưới, như vậy là khá thuận tiện cho người mua. Tất nhiên, trước tiên vẫn là chất lượng, phải thực sự bảo đảm", Ông Maurice De Haan, Quản lý siêu thị Plus, TP Utrecht, Hà Lan, nhân định.
Kết quả ban đầu cho thấy, từ khi quả vải được hái ở Việt Nam cho đến khi bày được lên kệ trong một siêu thị Hà Lan mất khoảng 5 ngày. Để có thể giữ được quả vải tươi lâu hơn trong siêu thị, chỉ còn cách phải rút ngắn các công đoạn trước đó.
"Chúng ta phải chuẩn bị rất tốt vùng trồng với quy mô lớn đạt chuẩn châu Âu và phải đưa mẫu sang test rất sớm. Các khâu từ thu hái, sơ chế, bảo quản và hun trùng, kiểm dịch phải làm rất nhanh. Có như thế, trái vải từ lúc thu hoạch sang đến đây mới nhanh được", Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại châu Âu Trần Văn Công cho hay.
Tập đoàn Mekong châu Âu nhằm tới mục tiêu quy mô và dài hơi. Nếu quả vải Việt Nam thuyết phục được người Hà Lan, thì từ hè năm sau số lượng lớn vải thiều Việt Nam sẽ được nhập khẩu vào Hà Lan, phân phối cho các siêu thị nước này và các nước châu Âu khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!