Trong kỳ điều chỉnh ngày 21/2, mỗi lít xăng đã tăng 960 đồng, đánh dấu lần tăng giá thứ 5 liên tiếp. Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng.
Về câu chuyện xăng dầu, ngay ngày 22/2, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ, ngành về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Bộ Công Thương cũng cho biết đã chuẩn bị đầy đủ kịch bản về nguồn cung, tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết.
Việc giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng đã ảnh hưởng khá nhiều đến giá nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Chúng tôi cũng tính các phương án từ tháng 3 trở đi. Giả dụ Nghi Sơn vận hành 50% công suất, 85% hay 100% công suất, thậm chí tính phương án nếu không có nguồn từ Nghi Sơn, chúng tôi cũng tính các phương án nhập khẩu, nhưng cũng phải giao trước cho các doanh nghiệp đầu mối và đề nghị Nghi Sơn thông báo rõ Trên cơ sở đó điều chỉnh kế hoạch để đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của người dân", ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho cho biết.
Sẽ nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý 2
Mới nhất, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý 2 năm nay cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Theo quyết định này, chỉ có 10/33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được nhập khẩu tăng thêm trong quý 2 với tổng số lượng là 2,4 triệu m3, trong đó có 840.000 m3 xăng và 1,56 triệu m3 dầu. Các doanh nghiệp được giao tăng sản lượng nhập khẩu xăng dầu phải thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn tổng sản lượng này.
Nguồn cung bị ảnh hưởng, giá thế giới tăng cao, nhưng cũng có tình trạng một số đại lý kinh doanh xăng dầu đóng cửa không bán hoặc bán nhỏ giọt. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký thành lập 3 đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng đã ảnh hưởng khá nhiều đến giá nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cũng rất đau đầu. Một số chuyên gia đã đưa ra lời khuyên về một công cụ tên là "bảo hiểm giá".
Bảo hiểm giá - Giải pháp khi giá dầu vẫn tiếp tục tăng phi mã
Tháng 12/2021, giá dầu chỉ ở mức 65 USD/thùng. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn trên thế giới đã thực hiện nghiệp vụ "bảo hiểm giá", bằng các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn ở vùng giá 65 - 70 USD/thùng trên các Sở giao dịch hàng hóa, có nghĩa là, dù giá dầu hiện có tăng đến 100 hay thậm chí 150 USD/thùng, giá đầu vào mà các doanh nghiệp này mua được vẫn ở mức 65 - 70 USD/thùng.
"Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường năng lượng đều sử dụng hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn để bảo hiểm giá một cách rất hiệu quả. Điều này được thực hiện thông qua việc giao dịch liên thông với các sở thế giới", ông Thierry Rabut, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế, Công ty Sweet Futures, chia sẻ.
Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Sở Giao dịch Hàng hóa (MXV), dù giá trị giao dịch của các mặt hàng năng lượng trong năm ngoái đạt trung bình hơn 1.500 tỷ đồng/phiên, nhưng phần lớn trong số đó là các nhà đầu tư cá nhân. Nhóm doanh nghiệp bảo hiểm giá chiếm chưa tới 10% giá trị.
Lý giải về việc ở Việt Nam, rất ít doanh nghiệp tham gia bảo hiểm giá, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, cho biết: "Bảo hiểm giá là công cụ phổ biến trên thế giới. Theo một số thống kê, có 60% lượng vị thế mở trên thị trường dầu hiện nay là của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, con số này chỉ chưa đến 10%. Có rất nhiều nguyên nhân, một trong số đó là việc thực hiện bảo hiểm giá hiệu quả đòi hỏi đội ngũ phân tích, thực hiện phải rất chuyên nghiệp và dày dặn kinh nghiệm. Đây là điều thị trường nhân lực tại Việt Nam vẫn còn thiếu. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được giải quyết với sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam trong những năm gần đây và sẽ có một thế hệ nhân sự đáp ứng được các tiêu chuẩn của thế giới trong nhiệm vụ bảo hiểm giá".
"Về mặt lý thuyết, mọi thành phần tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu có lợi ích bị ảnh hưởng khi giá biến động đều nên tham gia bảo hiểm giá. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, ở thời điểm hiện tại, các sản phẩm liên thông với thế giới chỉ phù hợp cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, hiện Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đang phối hợp cùng Hiệp hội xăng dầu và các Bộ, ban, ngành liên quan để xây dựng một sản phẩm xăng, dầu đặc thù cho thị trường Việt Nam. Mục tiêu là mọi thành phần trong chuỗi cung ứng, từ người bán và người mua xăng dầu cũng đều có thể thực hiện bảo hiểm giá. Ví dụ các doanh nghiệp vận tải, hay thậm chí các tài xế taxi, xe ôm công nghệ cũng có thể bảo hiểm giá nếu họ cho rằng giá xăng dầu sẽ còn tăng trong thời gian tới", ông Phạm Quang Anh cho biết thêm.
Đầu tư cổ phiếu dầu khí: Nước chảy chỗ trũng
Sức nóng trên thị trường hàng hóa tuần qua cũng lan sang thị trường chứng khoán. Cổ phiếu dầu khí là cái tên được chú ý nhất, nhiều mã tăng khá ấn tượng theo diễn biến giá dầu thế giới, tuy nhiên hiện nay có phải cứ cổ phiếu dầu khí mua là lãi?
Căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraine đã khiến VN-Index có một tuần giảm điểm, nhưng ngành khai khoáng, trong đó nổi bật là dòng dầu khí tăng mạnh hơn 10%. Đáng chú ý, PVC tăng 31,58%, PVB tăng 24,32%, OIL tăng hơn 10,5%.
Một tuần cầm "vàng đen" đã giúp nhiều nhà đầu tư có lợi nhuận gấp vài lần một năm đem gửi tiết kiệm ngân hàng. Giá dầu được dự báo vẫn "sáng cửa" chưa dừng đà tăng. Tuy nhiên sau giai đoạn hưng phấn "cả làng cùng vui", theo các chuyên gia sự phân hóa sẽ diễn ra và nhà đầu tư nên có sự bóc tách đâu là các cổ phiếu thực sự hưởng lợi từ câu chuyện này.
Một tuần cầm "vàng đen" đã giúp nhiều nhà đầu tư có lợi nhuận gấp vài lần một năm đem gửi tiết kiệm ngân hàng. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Nhóm dầu khí được chia thành 3 phân lớp:
- Thượng nguồn liên quan đến thăm dò và sản xuất như PVD, PVS, PVC…;
- Trung nguồn bao gồm dự trữ, chế biến và vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ như GAS, PVB…;
- Hạ nguồn là tinh chế, tiếp thị, phân phối và bán như: PLX, BSR, OIL…
Nhiều khả năng "nước sẽ chảy chỗ trũng".
"Hưởng lợi ngay lập tức là trung nguồn và hạ nguồn như nước chảy chỗ trũng. Những ngành đó được hưởng lợi nhanh nhất, họ có tồn kho, như BSR sẽ có biên lợi nhuận tốt hơn, GAS hưởng lợi từ việc giá khí khô tăng. Thượng nguồn như PVD, PVS làm dự án nhiều nên ảnh hưởng trong dài hạn, tức khi giá dầu phải tăng bền vững, nhu cầu đầu tư vào ngành cao hơn, lúc đó PVD, PVS sẽ có nhiều việc để làm hơn", ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research, đánh giá.
Nếu chỉ nhìn thuần túy câu chuyện đầu tư thì việc theo chân giá dầu kiếm lợi nhuận cũng không có gì sai, nhưng nếu nhìn sang các ngành khác, giá dầu tăng cao là điều không mong muốn. Nhiều nhóm ngành đang trong quá trình phục hồi lại hậu COVID-19 như sản xuất, du lịch, vận tải hàng không. Ví dụ như ngành hàng không, chi phí nhiên liệu đã chiếm khoảng 30% giá vốn, nếu giá nhiên liệu, trong đó xăng dầu tăng 10%, thì lợi nhuận sau thuế có thể giảm tới 30%.
Giá dầu tăng cao đang gây áp lực lên nhiều ngành nghề và khiến giá cả của nhiều loại hàng hóa leo thang theo. Tuy nhiên với sự chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có kế hoạch sẽ chạy 85% công suất từ ngày 15/3 và từ đầu tháng 4/2022 sẽ chạy đủ 100% công suất; đồng thời, các thương nhân đầu mối tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu sẽ giúp ổn định nguồn cung, giá cả trong nước.
"Vàng số" sụt giảm - Kênh trú ẩn hay rủi ro?
Giá dầu sẽ chưa thể hạ nhiệt khi căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine leo thang. Ngoài dầu, còn nhiều mặt hàng khác như khí đốt, nông sản, hay vàng cũng chịu ảnh hưởng, tuy nhiên có một thứ "vàng" khác lại lao dốc.
Lửa sẽ thử được vàng. Khi "ngọn lửa" xung đột trong quan hệ giữa Nga và Ukraine bùng phát, vàng và các loại tài sản được so sánh như vàng có dịp chứng tỏ giá trị thu hút nhất của chúng, đó là kênh trú ẩn, "vịnh tránh bão" của dòng tiền đầu tư.
Giá vàng thế giới liên tục tăng, giá trong nước thậm chí phá đỉnh mọi thời đại với mức hơn 67 triệu đồng/lượng. Giá "vàng đen" là dầu cũng vượt mốc 100 USD/thùng sau 8 năm. Tuy nhiên Bitcoin - loại tiền mã hóa, từng được một số nhân vật uy tín trong ngành tài chính thế giới gọi là "vàng kỹ thuật số" lại diễn biến trái ngược, lao dốc xuống dưới mốc 35.000 USD ở thời điểm xảy ra xung đột tại Ukraine, tức giảm khoảng 50% kể từ mức đỉnh.
"Vẫn còn sớm để nhận định rằng Bitcoin là một loại "vàng", một kênh trú ẩn mới", một tài khoản mạng bình luận.
"Trải nghiệm 7 tháng qua, em bay 300 triệu rồi á quý vị", một tài khoản khác chia sẻ.
"Đầu tư gì cũng cần kiến thức và kinh nghiệm. Ném hết tiền tiết kiệm và vay thêm vì tâm lý đám đông thì khác gì chơi xổ số", một tài khoản khác nói.
Diễn biến trái kỳ vọng của giá Bitcoin làm nóng lên tranh luận: Tiền mã hóa là kênh trú ẩn hay đầu tư đầy rủi ro? Đặc tính của tài sản trú ẩn là không có sự tương quan với các loại tài sản khác như cổ phiếu, vì vậy ít chịu tác động bởi bối cảnh bất ổn. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, Bitcoin đang có mối liên hệ với cổ phiếu ngành công nghệ khi nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu công nghệ cũng nắm giữ Bitcoin. Điều này khiến đồng tiền mã hóa này bị liên lụy khi chứng khoán có biến.
"Thị trường tiền mã hóa xấu đi do căng thẳng tại Ukraine là minh chứng cho thấy tính tương quan giữa Bitcoin và cổ phiếu công nghệ Mỹ ngày càng cao", một tài khoản nhận định.
" Bitcoin đang đi vào giai đoạn đầu của "mùa đông tiền điện tử" khi thị trường đầu cơ giá xuống. Điều đã từng xảy ra năm 2017", một tài khoản khác bình luận.
"Tiền điện tử là lĩnh vực mới và rất khó, nay thắng thì hôm sau thua lỗ là chuyện bình thường. Bản chất cũng rủi ro như chứng khoán thôi", một tài khoản khác chia sẻ.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, một số chuyên gia cho rằng Bitcoin vẫn có cửa lật ngược thế trận nếu được ngày càng nhiều tổ chức, định chế chấp nhận. Mới nhất là úp mở về khả năng chấp nhận thanh toán Bitcoin của ông chủ hãng xe Tesla - tỷ phú Elon Musk.
Mặt khác, không ít người vẫn đặt cược đường dài với đồng BTC bởi bản chất nguồn cung Bitcoin là có hạn. Tuy nhiên với những gì đồng được gọi là "vàng kỹ thuật số" này đang thể hiện, một điều chắc chắn là nó không dành cho những nhà đầu tư, đầu cơ "thiếu và yếu", tức là yếu tim và thiếu kiến thức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!