Vẽ dự án "ma" để bán đất

Anh Tuấn-Chủ nhật, ngày 11/04/2021 13:33 GMT+7

VTV.vn - Vì chưa có đủ giấy tờ pháp lý theo quy định nên việc mua bán đất xen kẹt thường chỉ thông qua các giấy tờ viết tay. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua.

Đất xen kẹt - hay còn có cách gọi khác là "đất vườn, đất nông nghiệp" xen kẽ với các khu dân cư. Cơ quan công an đã nhiều lần cảnh báo vì chưa có đủ giấy tờ pháp lý theo quy định nên việc mua bán đất xen kẹt thường chỉ thông qua các giấy tờ viết tay. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro không đáng có cho người mua.

Nằm trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, có một mảnh đất đã từng được Công ty Cổ phần Kinh doanh xây dựng và phát triển nhà Thành Đạt rao bán dự án nhà ở liền kề. Tin tưởng vào bản hợp đồng mua bán này, ông Nguyễn Thế Việt ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, năm 2014 đã nộp 1,5 tỷ đồng cho công ty Thành Đạt để mua đất.

Vẽ dự án ma để bán đất - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thế Việt ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Từ đó cho đến nay không có đất, ông Thành hứa khi nào chuyển đổi xong thì trả nhưng đến giờ vẫn không giao đất cho tôi"

Tiền mất, đất cũng không nhận được vì theo UBND huyện Gia Lâm, vị trí này không có dự án nào được phê duyệt cả. Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Trưởng Ban dân vận UBND huyện Gia Lâm, Hà Nội nói: "Dự án này trong những năm qua chưa có dự án nhà liền kề nào".

Ngoài tiền mua đất, ông Việt cho biết, bản thân còn nộp thuế chuyển mục đích sử dụng đất hơn 1,1 tỉ đồng cho lô đất này theo hướng dẫn của ông Thành nhưng trên hồ sơ là tên của người khác. Sau đó, ông Thành không sang tên đất theo như hứa hẹn mà lại tiếp tục bán cho người khác.

Cho đến giờ, một số người mua đất như ông Việt chỉ biết gửi đơn tố cáo đi khắp nơi trong khi Công ty Cổ phần Kinh doanh tổng hợp xây dựng và phát triển nhà Thành Đạt đã bị thu hồi giấy đăng ký doanh nghiệp từ cuối năm 2018, không còn hoạt động nữa.

Vậy nhưng, làm việc với phóng viên, ông Hoàng Văn Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh tổng hợp xây dựng và phát triển nhà Thành Đạt vẫn quả quyết, không có chuyện lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo như tố cáo.

Bất thường vụ chuyển đổi hơn 3.500m2 đất nông nghiệp tại huyện Gia Lâm

Theo nguồn tin của phóng viên, sau khi nhận được đơn tố cáo liên quan đến Công ty phát triển nhà Thành Đạt, Phòng cảnh sát kinh tế - Công an Thành phố Hà Nội đã vào cuộc xác minh. Cũng xin nhấn mạnh, chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở là nhu cầu cần thiết trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi diễn ra như thế nào để đảm bảo tính minh bạch, khách quan, tránh thất thu tiền thuế cho ngân sách nhà nước mới là điều đáng bàn.

Vẽ dự án ma để bán đất - Ảnh 2.

Trên hồ sơ giấy tờ, trước thời điểm tháng 3 năm 2015, khu đất này vốn dĩ là đất nông nghiệp của 9 hộ gia đình. Đến tháng 6/2016 chính thức được UBND huyện Gia Lâm chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở.

Tuy nhiên, trước khi chuyển đổi, từ 9 hộ ban đầu, khu đất nông nghiệp này bất ngờ được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội tách ra thuộc quyền sử dụng của 29 thương binh khác nhau.

Sau đó, gần 20 trường hợp thương binh này lại ủy quyền cho ông Hoàng Văn Thành - khi đó là giám đốc Công ty xây dựng và phát triển nhà Thành Đạt - thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và được toàn quyền định đoạt các thửa đất đó.

Vẽ dự án ma để bán đất - Ảnh 3.

Bằng các hợp đồng ủy quyền này, vậy là từ một người hoàn toàn khỏe mạnh, ông Thành mặc nhiên được giảm tiền sử dụng đất từ 70%-90% vì được hưởng chế độ của các thương binh theo chính sách của nhà nước. Như vậy, với 26 lô đất đã được chuyển đổi sang đất ở, số tiền thuế được giảm cũng lên đến hàng chục tỷ đồng.

Luật sư Trương Anh Tú, Công ty Luật TAT Law firm, nói: "Nếu đây là dự án của ngành lao động thương binh xã hội thì tốt quá. Không có gì bất thường cả. Nhưng đây là dự án thông thường mà 100% các lô đất đều đứng tên các anh thương binh. Điều này rất bất thường. Chúng ta có quyền đặt nghi vấn phải chăng có dấu hiệu lợi dụng các anh thương binh để trục lợi chính sách xã hội của nhà nước".

Để minh bạch quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 29 trường hợp thương binh, từ 9 hộ dân sở hữu ban đầu, phóng viên đã liên hệ với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan này đang báo cáo Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội để xin ý kiến và sẽ có trả lời sau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước