Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra cuối tuần qua tại Osaka, Nhật Bản đã khép lại mà không đạt được cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu. Thế nhưng, trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thể hiện rõ sự nhất trí trong việc cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - một tổ chức đa phương có 164 thành viên, chiếm 98% dòng chảy thương mại toàn cầu.
Sau khi khẳng định sự cấp thiết phải củng cố hệ thống thương mại đa phương thông qua cải cách WTO tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra năm 2018 tại Argentina, năm nay, các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục thể hiện một quyết tâm lớn hơn.
Theo các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhiều nước thành viên đang cảm thấy không hài lòng với cả 3 chức năng chính của WTO. Đầu tiên, cơ chế phân loại chưa rõ ràng của WTO dẫn đến việc nhiều nước có nền kinh tế mạnh, thậm chí có mặt trong nhóm G20, nhưng vẫn tuyên bố tình trạng quốc gia đang phát triển để được hưởng các lợi ích và miễn trừ các nghĩa vụ. Thứ hai, chức năng đàm phán của WTO tỏ ra thiếu hiệu quả do các nước thành viên gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận hoàn toàn để đạt được các hiệp định mới, thay đổi luật hay trừng phạt các quốc gia không tuân thủ nghĩa vụ. Đối với chức năng phân xử tranh chấp thương mại, một số quốc gia, đặc biệt, Mỹ cũng đang ngày càng tỏ ra không hài lòng với hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO bị cho là vượt quá ủy quyền ban đầu.
Để giải quyết tình trạng trên, một số đề xuất cải cách đã được các nước thành viên WTO đưa ra. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, tiến triển là vô cùng hạn chế, bởi WTO vốn hoạt động dựa trên sự đồng thuận và việc đạt được thỏa thuận về cải cách giữa tất cả 164 thành viên là vô cùng khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!