Theo Reuters, trong ngày 21/7, việc cung cấp khí đốt của Nga thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 tới Đức sẽ được nối lại sau đợt bảo trì thường niên, nhưng vẫn ở mức dưới công suất tối đa.
Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga luôn ở trong tình trạng không ổn định do căng thẳng chính trị, Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố kế hoạch ứng phó khẩn cấp, với trọng tâm là yêu cầu các nước thành viên mạnh tay cắt giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt.
Theo đề xuất mới của Ủy ban châu Âu (EC), trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, các nước sẽ tự nguyện thực hiện mục tiêu cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ so với thông thường. Mức giảm này có thể trở thành yêu cầu bắt buộc nếu toàn khối EU phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng.
EU đối mặt nhiều khó khăn khi phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga. (Ảnh: DPA)
"Chúng tôi đang yêu cầu các quốc gia thành viên EU cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ. Tại sao lại giảm 15%? Mức này tương đương với 45 tỷ m3 khí đốt và với mức giảm như vậy, châu Âu có thể vượt qua mùa Đông một cách an toàn, trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga hoàn toàn bị gián đoạn", bà Ursula Von Der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), nhấn mạnh.
Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang cố gắng nhanh chóng lấp đầy kho dự trữ khí đốt của mình trước mùa Đông và xây dựng vùng đệm trong trường hợp Nga hạn chế nguồn cung năng lượng hơn nữa do căng thẳng chính trị.
"Nhìn chung, dòng khí đốt từ Nga hiện nay ít hơn khoảng 1/3 so với mức thông thường, ví dụ như so với cùng kỳ năm 2021. Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí. Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, cho dù Nga cắt giảm một phần, phần lớn hoặc toàn bộ nguồn cung khí đốt, châu Âu đều cần phải chuẩn bị sẵn sàng", bà Ursula Von Der Leyen thông tin.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo các nước châu Âu cần đẩy mạnh việc cắt giảm tiêu thụ năng lượng, để ứng phó với mối đe dọa gián đoạn nguồn cung.
"Mọi người không cần phải quá hoang mang, bởi châu Âu có thể mua khí đốt trên thị trường quốc tế để cung cấp cho mùa Đông tới. Tuy nhiên, mức giá hiện đang rất cao và mọi người cần tìm mọi cách để cắt giảm nhu cầu. Điều đó rất quan trọng đối với cả người tiêu dùng lẫn các ngành kinh tế", Giáo sư Claudia Kemfert, Viện Nghiên cứu kinh tế DIW, Đức, nhận định.
Đề xuất mới của EC sẽ cần được sự chấp thuận của đa số các nước thành viên EU. Dự kiến, các nhà ngoại giao EU sẽ thảo luận về vấn đề này vào ngày 22/7 và hướng tới việc thông qua đề xuất tại một cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU trong ngày 26/7 tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!