Vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn chọn “3 tại chỗ”?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 17/09/2021 20:06 GMT+7

VTV.vn - Theo một số doanh nghiệp, việc triển khai "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" gây phát sinh nhiều chi phí. Tuy nhiên đây vẫn là phương án được không ít DN lựa chọn.

Đưa người lao động vào ở trong nhà máy là việc làm chưa có tiền lệ đối với các công ty ở khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. Hiện ngoài bữa ăn giữa ca, doanh nghiệp phải lo cả 3 bữa ăn và chỗ ngủ cho người lao động. Không những vậy, doanh nghiệp còn phải đảm bảo an toàn cháy nổ, phòng chống dịch bệnh khi nhiều người sinh hoạt tập trung tại nhà máy.

"Tách riêng khu ngủ và khu sản xuất. Khu nữ riêng, khu nam riêng", chị Hoàng Thị Lộc, Công ty TNHH AG TECH khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh, chia sẻ.

Sau hơn 1 tháng thực hiện "3 tại chỗ", doanh nghiệp này đã tiêu tốn hơn 50 tỷ đồng cho việc cải tạo nhà ăn, phòng nghỉ và các bữa ăn cho 1.500 công nhân làm việc tại nhà máy. Tuy nhiên, so với việc phải đóng cửa hoàn toàn, doanh nghiệp vẫn thấy có lợi hơn.

"Cảm ơn chính quyền dập dịch nên chúng tôi chỉ thực hiện 3 tại chỗ hơn 1 tháng, công nhân vẫn có việc làm, duy trì được sản lượng tối thiểu để giữ chân khách hàng", ông Kim Kyeong Ho, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AG TECH khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh, cho biết.

Công ty da giày Đông Anh chuyên gia công xuất khẩu các mặt hàng giày dép cho các thương hiệu của châu Âu. Những ngày thực hiện "3 tại chỗ", mỗi tháng công ty phải chi thêm 3 triệu/người lao động cho các chi phí phát sinh.

Vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn chọn “3 tại chỗ”? - Ảnh 1.

Thực tế, mô hình "3 tại chỗ" chỉ thích hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ từ 3.000 lao động trở xuống. (Ảnh minh họa: TTXVN)

"Mỗi ngày, nếu doanh nghiệp dừng hoạt động thì chi phí cũng lên đến hàng tỷ đồng. Chúng tôi đã phải lựa chọn phương án 3 tại chỗ, giúp doanh nghiệp vẫn đảm bảo được đơn hàng để trả cho khách hàng và hoạt động cầm chừng", ông Nguyễn Đức Đăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Giày Đông Anh, cho hay.

Nếu doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" nhiều hơn 2 tháng cũng khiến người lao động cảm thấy mệt mỏi, năng suất lao động giảm sút, doanh nghiệp cũng có nguy cơ phá sản vì chi phí bỏ ra quá lớn. Thực tế cho thấy, mô hình này chỉ thích hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ từ 3.000 lao động trở xuống.

"Nếu kéo dài mô hình này sẽ phát sinh chi phí rất lớn, các doanh nghiệp sẽ không chịu đựng được. Mặt khác cũng cần quan tâm đến tâm sinh lý của người lao động", TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, nhận định.

Duy trì "3 tại chỗ" chỉ là biện pháp cuối cùng khi doanh nghiệp đứng trước sự lựa chọn là hoạt động hay dừng hoạt động do dịch bệnh. Doanh nghiệp cũng phải có tiềm lực mới thực hiện được và cũng là quyền lựa chọn của doanh nghiệp. Nếu thực hiện "3 tại chỗ" lâu dài sẽ bào mòn sức chịu đựng của người lao động và doanh nghiệp. Hiện nay, khi chiến dịch tiêm vaccine đang được đẩy nhanh, các doanh nghiệp hy vọng sẽ bước vào trạng thái bình thường mới sớm nhất để hoạt động hiệu quả hơn.

TP Hồ Chí Minh dự kiến hạn chế áp dụng quy định “3 tại chỗ” TP Hồ Chí Minh dự kiến hạn chế áp dụng quy định “3 tại chỗ”

VTV.vn - Trong thời gian tới đây, theo dự thảo kế hoạch mở cửa từng bước nền kinh tế, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ hạn chế áp dụng quy định "3 tại chỗ".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước