Thời gian tới, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục khó khăn, nguy cơ nhiều doanh nghiệp phụ thuộc thị trường xuất khẩu sẽ phải đóng cửa. Giải pháp nào nối lại chuỗi liên kết cho các sản phẩm Việt Nam trong dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh hậu đại dịch? Đây là câu hỏi được các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế ASEAN diễn ra chiều 25/6 tại Hà Nội.
Với việc Chính phủ nhiều nước ASEAN đã cơ bản khống chế tốt tình hình dịch bệnh, theo các diễn giả, thúc đẩy sự hoạt động bình thường trong nội khối là bài toán có thể được tính đến, từ đó tiếp nối duy trì các thị trường quốc tế, tập trung vào lĩnh vực thế mạnh của các nước ASEAN: nông sản miền nhiệt đới.
Thời gian tới, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục khó khăn, nguy cơ nhiều DN phụ thuộc thị trường xuất khẩu sẽ phải đóng cửa. (Ảnh minh họa: Dân trí)
ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đang là điểm đến lý tưởng cho làn sóng chuyển dịch sản xuất hậu COVID-19. Tuy nhiên trình độ quản trị sản xuất kinh doanh và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước còn thấp, thiếu sự hợp tác liên kết, dẫn tới rất nhiều FDI khi vào Việt Nam đã mang theo doanh nghiệp "vệ tinh" cung cấp linh kiện của mình, lắp ráp và xuất khẩu tại Việt Nam để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do.
ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đang là điểm đến lý tưởng cho làn sóng chuyển dịch sản xuất hậu COVID-19. (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp phải vươn lên giành quyền chủ động, nâng cao năng lực tài chính, công nghệ, quản trị hệ thống, nhưng cũng không thể không kể đến vai trò "bà đỡ" của Chính phủ.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Chính phủ cần tăng cường rà soát cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài làm ăn, bởi tỷ trọng đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài rất thấp, hiện chỉ chiếm 1% tỷ trọng đầu tư ASEAN ra nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!