Cả một triển lãm ngành công nghiệp giấy và bột giấy nhưng theo quan sát của phóng viên Thời báo Kinh doanh, chỉ có duy nhất 1 gian hàng khiêm tốn của 1 DN giấy trong nước.
Theo lời ông Đặng Văn Sơn, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, các nhà máy giấy công suất lớn mới có thể đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh nhưng thực tế sản xuất của các nhà máy giấy trong nước hiện nay chưa đáp ứng được. DN giấy trong nước đa phần có công suất dưới 10.000 tấn/năm, còn công suất của DN nước ngoài lại lớn gấp 50 lần con số đó.
Vậy, đâu là trở ngại lớn nhất khiến các DN giấy trong nước khó lớn?
Thời báo Kinh doanh ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia rằng vốn vay để đầu tư chính là nỗi ám ảnh lớn nhất bởi nếu vay thương mại, DN không gồng gánh nổi lãi suất, trong khi đó lại chưa có nguồn quỹ đầu tư nào cho ngành giấy. Vì thế, độ mỏng của giấy lại tỷ lệ thuận với độ mỏng của vốn.
Bên cạnh vốn, một vấn đề đáng lo khác là DN sản xuất giấy trong nước đang bị lệ thuộc nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu, có những mặt hàng phải nhập khẩu đến 50%.
Một ví dụ cụ thể về sự thiếu hụt của đầu vào được Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam chỉ ra là thị trường giấy in, giấy viết ở Việt Nam đang phải nhập rất nhiều từ Thái Lan bởi trong nước cũng không có nhà sản xuất nào chuyên về giấy in báo. Tương tự là mặt hàng giấy bao bì.
Theo Thời báo Kinh doanh, thị trường giấy bao bì Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 được dự báo với doanh nghiệp trong nước sẽ chiếm khoảng 51%, doanh nghiệp FDI chiếm 49% thị phần còn lại. Căng thẳng là điều được dự đoán trước và việc phải làm tiếp theo là làm thế nào để điều đó không xảy ra.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!