Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Thực tế phát triển đang đặt ra nhiều thách thức cho khu vực này, đòi hỏi cần có chính sách mới.
Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được ban hành. Việc cấp bách cần làm hiện nay là phải cụ thể hóa Nghị quyết bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao.
Mới đây, Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 30 Bộ Chính trị khóa XIII Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã diễn ra.
Đây là hội nghị thứ 6 hoàn tất việc ban hành và quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị đối với toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước.
Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. (Ảnh: Dân trí)
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đây được coi là cửa ngõ phía Bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại; có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước về cả đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt với 3 tuyến hành lang kinh tế đi qua.
Tuy nhiên, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng, do đó sẽ cần những chính sách đặc thù, bổ sung nguồn lực để tiếp tục phát triển tốt hơn khu vực này.
Thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng
Cách trung tâm Hà Nội hơn 40 km nằm ngay cạnh cao tốc Hà Nội - Lao Cai, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sau nhiều năm phát triển, tăng trưởng công nghiệp của Vĩnh Phúc lên tới hơn 21% mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều rào cản.
"Liên kết và kết nối diện rộng giữa các khu công nghiệp của Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành; sự kết nối về logistics, về xuất nhập cảnh chưa có sự liền mạch, cần tập trung giải quyết trong thời gian tới", ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cho biết.
Vùng Đồng bằng sông Hồng, với 11 tỉnh thành, 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là 1 trong 2 "đầu tàu" kinh tế của cả nước. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp trong vùng còn thiếu bền vững, thiếu liên kết. Chưa kể, việc thiếu quy hoạch vùng, phân bổ nguồn lực chưa hợp lý và chồng chéo trong thu hút đầu tư của mỗi địa phương.
"Các địa phương là cực tăng trưởng cũng chỉ tập trung công nghệ cao, địa phương không phải cực tăng trưởng chẳng hạn thì có thể tham gia phát triển về công nghiệp phụ trợ, như vậy sẽ có sự phân công, chứ không bây giờ địa phương nào cũng phát triển bằng mọi giá về những ngành, lĩnh vực mà các địa phương khác đã làm rồi thì sẽ không phát huy được", ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, cho hay.
"Chúng ta còn phải tiếp tục hoàn thiện một số những cái công cụ quan trọng khác, ví dụ như về quản lý và sử dụng các nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư từ ngân sách để đảm bảo được sự lan tỏa và hiệu quả của nó. Cái tầm của vùng và tạo ra cái sự lan tỏa từ đó mạnh hơn nữa trong không chỉ nội vùng, mà còn với liên kết các vùng khác, tác động cho các vùng khác và liên kết, tác động tới cả nước", đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhận định.
Nhiều điểm mới trong Nghị quyết 30
Trong Nghị quyết 30, Bộ Chính trị đã xác định đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, thông minh và một số trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới. Nghị quyết đã đưa ra nhiểu điểm mới như:
- Đặt phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trong Chiến lược phát triển chung của cả nước và thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, đòi hỏi các ngành, các cấp cần nhận thức đúng đắn hơn về vị trí, tầm quan trọng của vùng và liên kết phát triển vùng;
- Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động; tập trung đầu tư để vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước; phát triển hệ thống đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy vai trò là trung tâm của cả nước trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao;
- Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai và nguồn nhân lực; hình thành một số khu vực đóng vai trò các cực tăng trưởng;
- Phát triển văn hóa làm nền tảng và là sức mạnh nội sinh quan trọng; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển phồn vinh;
- Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Vùng Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển kinh tế hàng đầu
Để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng Đồng bằng sông Hồng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh phải nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất cao về tầm quan trọng của Vùng và liên kết vùng. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư yêu cầu chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức.
"Tôi tha thiết mong đợi và tin tưởng rằng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang, khí phách quật cường và tài năng, phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người Bắc Hà, sĩ phu Bắc Hà; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là Thủ đô Hà Nội và toàn vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực tăng trưởng Bắc Bộ đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, quyết thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng Đồng bằng sông Hồng theo tinh thần cả nước vì Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Qua 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị, vùng Đồng bằng sông Hồng đã khẳng định vai trò của một vùng kinh tế động lực chiếm khoảng 30% GDP cả nước, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm hơn 1/3, đứng đầu cả nước.
Trước những yêu cầu của tình hình mới, Nghị quyết 30 sẽ là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù. Các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng được yêu cầu: sớm bắt tay vào cụ thể hóa nghị quyết và chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao, kiên quyết khắc phục tình trạng "đánh trống bỏ dùi", "đầu voi, đuôi chuột".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!