Vùng Vịnh “khát” lao động kỹ thuật cao

Anh Phương (PV Đài THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ ba, ngày 15/12/2020 11:50 GMT+7

(Ảnh minh họa: The National)

VTV.vn - Các nước Vùng Vịnh đang phải đối mặt với một "cơn khát" lao động kỹ thuật cao, được xem là hệ quả của đại dịch COVID-19.

Mảnh đất này từng là miền đất hứa của lao động từ khắp nơi trên thế giới, đến khi đại dịch và giá dầu hạ đã tạo ra một làn sóng rời đi của hàng loạt chuyên gia, lao động cao cấp người nước ngoài...

Hiện, khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục, nhiều mảnh đất Vùng Vịnh đang cảm thấy sự hụt hơi khi thiếu đi lực lượng lao động cao cấp này.

Một giai đoạn thịnh vượng nhờ dầu mỏ khiến nhiều mảnh đất Vùng Vịnh trước đây không mấy chú trọng phát triển lực lượng tri thức bản địa. Họ mang tiền đi thuê các bộ óc ngoại quốc cho hầu hết các ngành nghề.

Người dân Vùng Vịnh chủ yếu chỉ làm các công việc hành chính nhà nước giản đơn, nhưng mức đãi ngộ vẫn đầy hào phóng. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều những "bộ óc" ngoại quốc đã rời bỏ nơi đây. Vùng Vịnh nay lại phải lao vào một cuộc chiến giành giật nhân tài trở lại, như những gì đang được nhiều tờ báo Vùng Vịnh mô tả.

Báo Arabian Business cho rằng, sự thiếu vắng "bộ óc" nước ngoài sẽ trở thành một vấn đề lớn đối với nhiều nền kinh tế Vùng Vịnh ngay từ đầu năm tới. Các tổ chức, doanh nghiệp vội vã sa thải các lao động ngoại quốc trong giai đoạn khó khăn nay đang phải đối mặt với sức nóng vì sự thiếu hụt nhân tài. Cuộc cạnh tranh tuyển dụng lại các tri thức ngoại quốc đang khiến chi phí và mức đãi ngộ mà doanh nghiệp bỏ ra... trở nên tốn kém hơn nhiều.

Vùng Vịnh “khát” lao động kỹ thuật cao - Ảnh 1.

Đại dịch và giá dầu hạ đã tạo ra một làn sóng rời đi của hàng loạt chuyên gia, lao động cao cấp người nước ngoài... (Ảnh minh họa: Getty Images)

Vùng Vịnh cần người nước ngoài để tồn tại. Những bàn tay khối óc của lao động nhập cư là sự sống còn đối với các nền kinh tế nơi đây. Nó lý giải vì sao các quốc gia Vùng Vịnh đang phải vội vàng phá bỏ những giới hạn, vốn vẫn được xem những nguyên tắc nền tảng suốt bao năm qua của các xã hội nơi đây.

Điển hình, mới đây, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã quyết định cho phép người nước ngoài được mua rượu bia mà không cần giấy phép, hay nam nữ được sống chung trước hôn nhân. Dù rượu bia hay quan hệ nam nữ trước hôn nhân vẫn bị xem là những điều đặc biệt cấm kỵ trong Hồi giáo.

Không chỉ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Saudi Arabia cũng đang nỗ lực cải cách bộ luật lao động của mình. Trước đây, lao động nước ngoài phải phụ thuộc rất lớn vào chủ lao động, muốn đổi chỗ làm hay về nước cũng phải được chủ lao động cho phép. Tuy nhiên hiên nay, các quy định đều được nước này xóa bỏ.

Nhiều quốc gia Vùng Vịnh từng đề ra chiến lược nội địa hóa các ngành nghề kinh tế. Họ muốn dân họ có thể nắm các ngành nghề của đất nước, chứ không thể phụ thuộc vào các "bộ óc" nước ngoài. Nhưng càng thực hiện, Vùng Vịnh lại càng nhận ra những mục tiêu ngoài tầm với, ít nhất trong thời điểm hiện nay.

Một thống kê gần đây cho thấy, tại Vùng Vịnh, số lượng đội ngũ khoa học hiện đang tụt hậu xa so với thế giới. Ở Phần Lan, tính trung bình cứ 1 triệu dân có 7.000 nhà khoa học, tại Mỹ là 5.000. Trong khi Trung Đông, 1 triệu dân chỉ có 1.000 nhà khoa học. Đó là tính cả khu vực Trung Đông, còn tỷ lệ tại Vùng Vịnh thì còn thấp hơn.

Thiếu lao động kỹ thuật cao vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 Thiếu lao động kỹ thuật cao vì ảnh hưởng của dịch COVID-19

VTV.vn - Chuyên gia cao cấp không thể sang Việt Nam làm việc do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp sản xuất đình trệ hoạt động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước