Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Hiệp định chiếm khoảng 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử.
Với Việt Nam, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Đây là một trong số 17 FTA mà Việt Nam tham gia. Các FTA đang mang đến những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để mở rộng thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, các FTA cũng đem lại những ưu đãi thuế dành cho hàng hóa Việt Nam có nguồn gốc phù hợp được chứng nhận, sản xuất bền vững và minh bạch thông tin. Do vậy, để tận dụng tối đa các ưu đãi thương mại từ thị trường FTA, doanh nghiệp cần phải đổi mới mọi hoạt động, trong đó có những tiêu chuẩn "xanh hoá".
Ngành dệt may và da giày là hai ngành hàng sản xuất và xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thời gian qua, hai ngành hàng này đã có nhiều đóng góp quan trọng, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với mức tăng trưởng bình quân trên 10%/năm.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 44 tỷ USD, còn da giày đạt trên 28 tỷ USD. 10 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may đạt 36,11 tỷ USD, tăng 9,86% so với cùng kỳ. Năm 2024, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới nhưng xuất khẩu của dệt may dự kiến vẫn đạt 44 tỷ USD và da giày đạt 27 tỷ USD.
Số liệu của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cũng cho thấy, 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, giày dép Việt Nam đã có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh…
Kết quả trên đạt được nhờ việc tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định RCEP, FTA - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).