Thị trường cà phê sôi động nhờ giá tăng cao
Những ngày này, người trồng cà phê rất phấn khởi bởi mức giá cao kỷ lục, đã chạm mốc 85.000 - 90.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Hiện mỗi ha cà phê, sau khi trừ đi chi phí, người trồng cà phê có thể thu về lợi nhuận hơn 220 triệu đồng. Diễn biến giá tăng đang tác động mạnh đến tâm lý mua bán của người dân, đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng cao
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, giá xuất khẩu cà phê Robusta đang lập kỷ lục khi trong tuần qua, tăng tới gần 5%. Nguyên nhân chính khiến giá cà phê Robusta xuất khẩu tăng do thế giới lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Cà phê là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, giúp ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu gần 10 tỉ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nhận định: "Hai tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam gần 400.000 tấn, trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 1,25 tỷ USD, cao nhất trong thời gian vừa qua. Và tăng xuất khẩu thì tăng lượng rang xay, những sản phẩm chế biến sâu nhiều hơn, tạo kim ngạch xuất khẩu nhiều hơn".
Đây là lần đầu tiên cà phê vươn lên vị trí thứ hai về giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau gỗ và sản phẩm gỗ. Nhưng dù đang ở mức giá cao, song nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cũng cảnh báo nông dân cân nhắc chọn thời điểm thích hợp để bán hàng, bởi dự báo diễn biến giá trong bối cảnh hiện nay rất khó khăn. Theo doanh nghiệp, đơn hàng xuất khẩu không thiếu nhưng thực tế, doanh nghiệp không dám nhận thêm đơn phát sinh cho quý II, bởi nguồn cung hàng trong dân không còn nhiều. Vì vậy, đơn hàng thế giới có thể được các nhà rang xay dịch chuyển sang nhập từ các quốc gia khác như Indonesia, Brazil khi họ sắp vào vụ thu hoạch.
Dự báo năm 2024, xuất khẩu cà phê có thể đạt đến 5 tỉ USD nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có sự bứt phá về giá. Cùng với nhu cầu thế giới tăng cao, một số sản phẩm cà phê nhân được sử dụng rang xay làm hòa tan trong nước, nên nhu cầu nội địa cũng tăng. Việt Nam hiện là nước sản xuất và cung cấp cà phê Robusta đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng chiến lược xuất khẩu để tận dụng tối đa những lợi thế hiện có.
Xuất khẩu cà phê tận dụng tối đa cơ hội
Những ngày qua, giá cà phê tại địa bàn Tây Nguyên tiếp tục tăng, dao động trong khoảng 90.000 đồng/kg, mức giá cao chưa từng có. Không chỉ nông dân phấn khởi, mà các doanh nghiệp cũng xem đây là cơ hội tốt để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, duy trì mối liên kết bền chặt hơn với nông dân.
Ông Nguyễn Kim Anh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết: "Đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã bắt đầu tiếp cận với khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp yêu cầu. Từ đó nâng cao giá trị của mặt hàng nông sản, đặc biệt là với cây cà phê".
"Hiện nay, chúng tôi đã xuất khẩu tới tháng 2/2024 được 86.000 tấn. Dự kiến của chúng tôi sẽ xuất 150.000 tấn với giá bình quân trên 3.000 USD/tấn, kim ngach chúng tôi đem về trên 500 triệu USD" - ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Gia Lai chia sẻ.
Trong hai tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 3.153 USD/tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, dù sản lượng cà phê xuất khẩu có thể giảm, nhưng giá trị kim ngạch có thể vẫn bứt phá. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp đang nỗ lực tập trung gia tăng sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê chế biến. Cũng theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, thời gian qua, doanh nghiệp đã nỗ lực thúc đẩy thị trường, tăng mạnh tiêu thụ trong nước với việc đa dạng hóa sản phẩm. Cùng với lợi thế về giá tăng, cánh cửa rộng mở cho xuất khẩu cà phê năm 2024 kỳ vọng sẽ chinh phục đỉnh cao mới.
Tuy nhiên, nắng nóng xuất hiện tại vùng trồng cà phê trọng điểm của Việt Nam khiến nhiều nhà nhập khẩu lo ngại nguồn cung cà phê Robusta vụ mới sẽ khó khăn. Dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 có thể giảm 10% xuống hơn 1,6 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm, do hạn hán.
Để duy trì đà tăng trưởng, ngành cà phê Việt Nam cần chú trọng nhiều giải pháp cho việc phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là việc đáp ứng quy định chống mất rừng của EU.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!