Xuất khẩu dừa có thể mang về 1,2 tỷ USD

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 15/12/2024 12:43 GMT+7

VTV.vn - Kim ngạch xuất khẩu dừa và sản phẩm chế biến năm nay có thể đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15 - 20% so với năm ngoái.

Mở rộng thị trường cho sản phẩm dừa

Việt Nam hiện đang là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời giữ vị trí thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường quốc tế. Hiện nay, dừa là một trong số ít ngành nông sản có tỉ lệ chế biến cao, với khoảng hơn 200 sản phẩm. Các sản phẩm từ dừa của nước ta đã có mặt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì vậy, việc mở rộng thị trường sẽ giúp nâng cao hơn nữa giá trị của ngành hàng vốn có nhiều tiềm năng và cơ hội trong bối cảnh hiện nay.

Dừa được chế biến thành hơn 200 sản phẩm. Ngoài thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, còn được xử lý thành than hoạt tính. Hiện sản phẩm này đã xuất khẩu được sang nhiều nước trên thế giới và còn dư địa để phát triển. Với nguồn nguyên liệu rất dồi dào, đây là cơ hội tận dụng tốt nguồn phụ phẩm từ dừa.

Ông Huỳnh Khắc Nhu - Tổng giám đốc Công ty Trà Bắc, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Gáo dừa sau khi than hóa sản xuất thành than hoạt tính là một sản phẩm có giá trị rất đặc biệt và nhu cầu thế giới rất cao, đặc biệt là cho ngành lọc nước, lọc khí và lọc vàng trong các nhà máy khai thác vàng”.

Coco Next năm 2024 vừa được Hiệp hội dừa Việt Nam phối hợp tổ chức đã mang đến những thông tin và giải pháp thực tế để giải quyết thách thức hiện tại của ngành dừa. Các phiên thảo luận khai thác sâu về việc xây dựng những chính sách phát triển bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và quản lý chuỗi giá trị.

Bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch HĐQT Công ty Betrimex, tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu về ngành dừa đối với công ty Betrimex là hơn 90%. Với cuộc chơi mang tầm toàn cầu, chúng tôi mong muốn cơ hội trong việc tham gia của các diễn đàn không chỉ tìm hiểu về khoa học, về công nghệ chế biến sâu mà còn đưa tinh thần ISG của Việt Nam được vươn tầm thế giới”.

Việt Nam hiện có 200.000 ha diện tích trồng dừa, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 70% diện tích. Để phát triển chuỗi ngành hàng bền vững cần có vai trò ngân hàng cung ứng vốn.

Anh Nguyễn Đức Chính - Giám đốc Chi nhánh MB Quang Trung, TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Chúng tôi sẽ phối hợp với các doanh nghiệp trực tiếp mở tài khoản cho bà con nông dân. Khi việc thanh toán đó diễn ra trên tài khoản ngân hàng, ngân hàng chúng tôi sẽ có giải pháp cung ứng vốn sản xuất kinh doanh cho bà con nông dân, đặc biệt là bà con nông dân cung ứng sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp trong ngành dừa”.

Ngành hàng dừa nước ta ra đời muộn hơn so với các nước trong khu vực; nếu so với Thái Lan thì đi sau khoảng 10 năm, tuy nhiên, những nỗ lực toàn ngành đã giúp Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với nước bạn và nhiều quốc gia khác, vươn lên vị trí thứ 4 trong xuất khẩu các sản phẩm từ dừa trên thế giới.

Xuất khẩu dừa có thể mang về 1,2 tỷ USD - Ảnh 1.

Việt Nam hiện đang là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Liên kết để ngành dừa phát triển bền vững

Theo các doanh nghiệp, việc ký Nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc đã mở ra cơ hội ăn nên làm ra cho nhiều địa phương có thế mạnh về loại cây trồng này. Tuy nhiên, câu chuyện liên kết vẫn phải là trọng tâm để ngành dừa phát triển bền vững trong tương lai.

Bến Tre có 17.000 ha diện tích dừa hữu cơ. Trong Đề án phát triển dừa thành cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, diện tích dừa sạch của tỉnh sẽ tăng thêm khoảng 50%. Để hiện thực hóa mục tiêu, tại mỗi xã đều có tổ hợp tác sản xuất dừa hữu cơ. Nhà vườn sẽ được hướng dẫn thực hành canh tác sạch, đầu ra sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 10%.

Ông Nguyễn Minh Tân - Xã Tam Phước, Châu Thành, Bến Tre cho biết: “Lái mua nằm trong khoảng 50.000 đồng/chục, công ty mua để xuất khẩu từ 80.000 - 85.000 đồng/chục. Nông dân rất mừng, ráng giữ cái vườn dừa mình cho đẹp”.

Còn HTX này, 4 ha với gần 1.000 gốc dừa sẵn sàng cho việc liên kết cùng doanh nghiệp, phục vụ xuất khẩu. Tư duy sản xuất đã thay đổi, bà con chủ động liên kết, giúp tạo nên diện tích chuyên canh lớn, đồng nhất về quy trình canh tác.

Ông Huỳnh Long Thiện - Hợp tác xã Nông nghiệp Vạn Thịnh Phát, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Về xuất khẩu, tỉnh cấp được mã vùng trồng cho nông dân thì nông dân yên ổn, có tinh thần để chăm sóc cây dừa tốt hơn”.

Anh Nhan Chí Hiệp - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vạn Thịnh Phát, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Sắp tới sẽ hợp tác với nhiều vùng trồng ở trong huyện, để hỗ trợ bà con trong tiêu thụ sản phẩm”.

Sau liên kết, hiểu thị trường chính là cách để giữ thị trường. Theo doanh nghiệp này, Trung Quốc có nhiều phân khúc khách hàng để có thể khai thác tối đa lợi thế.

Chị Phan Thị Son - Phó Giám đốc Công ty Dừa Hào Quang nhận định: “Người ta cũng sử dụng dừa lai, nhiều trái to và nhiều nước, phần lớn chủ vựa lấy nước nhiều, còn có những nơi ở Bắc Kinh, người ta vẫn sử dụng dừa xiêm xanh, ngọt nước, tiêu chuẩn gọt kim cương là phần lớn”.

Tính đến cuối năm 2023, ngành dừa thế giới có tổng giá trị lên đến trên 14 tỷ USD. Trong số này, sản phẩm nước dừa chiếm giá trị 5,73 tỷ USD. Dự báo tổng giá trị xuất khẩu ngành hàng này đang tăng nhanh và có thể đạt tới con số vài chục tỷ USD trong những năm tiếp theo. Đây được xem là cơ hội hái ra tiền cho cây công nghiệp chủ lực quốc gia nói chung và nhà vườn, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Củng cố chuỗi ngành hàng dừa

Kim ngạch xuất khẩu dừa và sản phẩm chế biến năm nay có thể đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15 - 20% so với năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan. Và để ngành dừa phát triển bền vững, ngoài việc mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế, theo ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp cần phải làm tốt từ khâu nội tại của chuỗi.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết: “Dừa là cây trồng truyền thống quanh nhà, nên một vườn nhà có thể trồng rất nhiều giống dừa. Cho nên chất lượng của nó chưa thật sự ổn định. Chúng tôi sẽ kiến nghị với Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và các địa phương cố gắng trong chương trình khuyến nông riêng với ngành dừa cũng phải hỗ trợ để những hộ nông dân trồng chuyên dừa, thuần chủng để chất lượng và năng suất sẽ được ổn định”.

Chị Ngô Thị Kiều Dương - CEO Công ty KONUT, tỉnh Bến Tre nêu ý kiến: “Thúc đẩy công nghệ chế biến sao cho gia tăng thật nhiều giá trị gia tăng cho cây dừa. Và cuối cùng là đánh giá về môi trường. Mình phải tận dụng ưu thế của cây dừa với ý nghĩa về môi trường để mình vực dậy nhiều giá trị hơn”.

Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre nhận định: “Khi tạo chuỗi giá trị, gắn kết sản xuất, tạo được vùng sản xuất, nó mới đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn của quốc tế đặt ra ngày càng nhiều. Thế giới hiện nay vừa mở cửa, vừa cạnh tranh. Từ liên kết giữa người dân với người dân; người dân với doanh nghiệp; sự hợp tác của các doanh nghiệp, đó là những vấn đề chúng ta phải củng cố lại”.

Hội thảo quốc tế về ngành dừa đã được tổ chức lần đầu tiên với sự tham dự của hơn 200 đại diện các địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia đến từ các quốc gia hàng đầu thế giới của ngành dừa như Philippines, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ... Đây là tín hiệu cho thấy việc xây dựng một chuỗi giá trị toàn diện, hiện đại và bền vững ngành dừa của Việt Nam đã và đang được nhìn nhận xứng tầm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước