Ảnh minh họa.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 100% tấm giữ ở mức 440 USD/tấn; gạo 25% tấm lên mức 547 USD/tấn, tăng 3 USD; gạo tiêu chuẩn 5% tấm lên mức 579 USD/tấn, tăng so với mức 570 USD/tấn so với một tuần trước đó.
Sự gia tăng này không chỉ phản ánh nhu cầu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn cho thấy sự điều chỉnh giá phù hợp với biến động của thị trường toàn cầu, mở ra những triển vọng tươi sáng về việc có thêm các đơn hàng xuất khẩu trong hai tháng tới.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, giá lúa gạo trong nước ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn khi các doanh nghiệp tập trung tăng cường thu mua để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu, cũng như tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Với đà tăng này, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có thể cán mốc khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD, mức kỷ lục mới của ngành trồng trọt.
Với các yếu tố hỗ trợ từ thị trường quốc tế, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2024 dự báo sẽ còn nhiều điểm sáng. Chính sách giảm thuế của Philippines được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo, trong khi những bất ổn về nguồn cung của các quốc gia đối thủ tạo ra cơ hội lớn cho gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tận dụng cơ hội này để không chỉ gia tăng sản lượng xuất khẩu mà còn nâng cao chất lượng, hướng đến việc khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
"Việc giá gạo tăng cao hiện tại không chỉ phản ánh nhu cầu lớn từ các thị trường nhập khẩu mà còn là kết quả của việc cải thiện chất lượng sản phẩm và chiến lược nâng cao giá trị của gạo Việt Nam. Với các hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết cho những tháng tới thì cơ hội gia tăng lượng xuất khẩu gạo lên mức cao hơn so với cùng kỳ các năm trước", ông Phạm Văn Thịnh - Chủ tịch Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Minh nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!