Xuất khẩu thủy sản có thể cải thiện lợi nhuận trong nửa cuối năm

VTV Digital-Thứ hai, ngày 10/07/2023 14:33 GMT+7

Trong tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 800 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

VTV.vn - Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các công ty kinh doanh xuất khẩu thủy sản sẽ ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các công ty kinh doanh xuất khẩu thủy sản sẽ bắt đầu ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhờ chi phí giảm bao gồm giá đầu vào như tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản giảm; chi phí vận chuyển giảm.

Trong tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 800 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 341 triệu USD (giảm 18% so với cùng kỳ, nhưng tăng 3% so với tháng trước) và 156 triệu USD (giảm 26% so với cùng kỳ và giảm 2% so với tháng trước.

Xuất khẩu tôm và cá tra trong nửa đầu năm 2023 lần lượt đạt 1,6 tỷ USD (giảm 31% so với cùng kỳ) và 885 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ.

SSI vẫn chưa nhận thấy dấu hiệu phục hồi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc do tình trạng lạm phát kéo dài và xử lý hàng tồn kho chậm.

Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Lê Hằng cho biết, ngoài những khó khăn do sức tiêu thụ của thị trường kém, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm và cá tra bị sụt giảm lợi nhuận vì giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào đều tăng cao, giá thành cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên.

Bà Lê Hằng dự báo, những tháng tiếp theo, các thị trường nhập khẩu chính của thủy sản như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... tiếp tục bị chi phối bởi lạm phát và tồn kho.

Cụ thể, lượng tồn kho thủy sản đang được giải tỏa dần ở các thị trường sau thời gian dài các nhà nhập khẩu giảm mua, nhu cầu dự báo sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, lạm phát tại nhiều thị trường chưa có dấu hiệu hạ nhiệt làm kìm hãm sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản tại Mỹ, EU...

SSI ước tính, 6 tháng đầu năm, giá bán trung bình của tôm và cá tra sang Mỹ lần lượt đạt 10,6 USD/kg, giảm 12% so với cùng kỳ và 3,5 USD/kg giảm 26% so với cùng kỳ.

Theo Agromonitor, sản lượng tiêu thụ cá tra sang Mỹ và Trung Quốc lần lượt giảm 50% và 31% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023.

Về nguyên liệu đầu vào, SSI quan sát thấy sự sụt giảm giá tôm và cá nguyên liệu (chiếm 20% giá vốn hàng bán) lần lượt giảm 9% và 4% so với cùng kỳ, trong khi giá thức ăn thủy sản vẫn ở mức cao.

Giá thức ăn thủy sản bình quân đạt đỉnh vào tháng 5/2023 là 14.900 đồng/kg và các công ty thức ăn chỉ bắt đầu giảm giá thức ăn thủy sản từ tháng 6/2023 (khoảng 300 đồng/kg). Như vậy, giá thức ăn thủy sản vẫn cao hơn 8% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023.

Do giá thức ăn chăn nuôi chiếm 60% giá vốn hàng bán, cùng với giá bán bình quân của ngành giảm trong nửa đầu năm 2023, chuyên gia phân tích từ SSI tin rằng, hầu hết các công ty sản xuất trong ngành đều có tỷ suất lợi nhuận thu hẹp và lợi nhuận có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 (lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ, nhưng khó có thể lặp lại trong quý tới), đặc biệt khi quý II/2022 ghi nhận mức nền lợi nhuận cao nhất.

Theo SSI, mặc dù triển vọng các đơn đặt hàng sang Mỹ, Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn do nền kinh tế phục hồi chậm và mức tồn kho tăng cao, nhưng các công ty kinh doanh xuất khẩu thủy sản sẽ bắt đầu thấy ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhờ chi phí giảm bao gồm giá đầu vào giảm (tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản); chi phí vận chuyển giảm.

SSI kỳ vọng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Mỹ sẽ ghi nhận mức lợi nhuận giảm nhẹ hoặc đi ngang so với cùng kỳ trong quý III/2023 (do giá bán trung bình đạt đỉnh trong quý III/2022) và tăng trưởng lợi nhuận dương từ quý IV/2023.

Tại một số doanh nghiệp, đơn đặt hàng trong quý III/2023 đang dần cải thiện so với quý II/2023 xét về sản lượng tiêu thụ.

SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của nhiều doanh nghiệp sẽ tăng mạnh trở lại vào năm 2024, do xuất khẩu sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối quý IV/2023 hoặc đầu năm 2024.

Với việc nguồn cung tàu và container đang ở trạng thái dư cung, việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các nước phương Tây sẽ được thuận lợi hơn trong năm 2023.

Doanh nghiệp thủy sản đối diện thách thức chưa từng có Doanh nghiệp thủy sản đối diện thách thức chưa từng có

VTV.vn - Đơn hàng xuất khẩu giảm 20 - 50%, trong khi chi phí sản xuất tăng cao. Điều này khiến các doanh nghiệp thủy sản đang phải đối diện với khó khăn, thách thức chưa từng có.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước